Bắt quả tang doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường

Ngày 11/6 Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hưng Yên đã bắt quả tang Công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu Phương Đông, đóng tại địa bàn xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, đang có hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân địa phương.

Công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu Phương Đông là doanh nghiệp chuyên sản xuất và nhuộm mài các sản phẩm vải may công nghiệp. Mặc dù đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng doanh nghiệp này hầu như không vận hành mà thường xuyên xả thải trực tiếp ra môi trường vào các buổi đêm, bắt đầu từ 21 giờ hàng ngày. Hành vi vi phạm của công ty Phương Đông đã làm cho sông Cầu Lường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân xã Xuân Dục và các xã lân cận, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Sau nhiều ngày trinh sát mật phục, các trinh sát phòng Cảnh sát môi trường phát hiện công ty này sử dụng 1 máy bơm điện công suất 3kw/h hút nước thải từ bể thu gom chưa qua xử lý rồi xả thải trực tiếp ra sông Cầu Lường. Ngay sau khi bắt quả tang, Phòng Cảnh sát môi trường đã phối hợp với Viện hóa học công nghiệp Việt Nam tiến hành lấy mẫu nước thải để phân tích xác định mức độ ô nhiễm, đồng thời tiếp tục tiến hành điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật trong thời gian sớm nhất.




PV

Còn nhiều bất cập trong bảo vệ môi trường

Do khối lượng công việc lớn, lực lượng và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý tại nhiều đơn vị còn yếu, nhận thức của các cấp chính quyền, đặc biệt ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân còn hạn chế, nên công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập.

Thiếu tư duy quy hoạch

Việc bảo vệ môi trường đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng và người dân Hà Nội. Chính quyền thành phố đã đầu tư lớn cho công tác này. Các khu công nghiệp, bệnh viện, hầu hết các khu đô thị và khách sạn lớn đã đầu tư xây dựng các trạm xử lý môi trường. Hai trạm xử lý nước thải đô thị đầu tiên của thành phố đã được xây dựng ở khu Kim Liên, hồ Trúc Bạch và nhiều dự án xử lý nước thải đô thị chung đã đưa vào kế hoạch xây dựng. Song, đề cập đến những vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường Hà Nội hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Hải, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Hà Nội vẫn thiếu tư duy quy hoạch môi trường. Cụ thể, chưa có tư duy đầy đủ về quy hoạch môi trường trong các dự án phát triển; chỉ tiêu môi trường và hạ tầng môi trường thấp, nhất là diện tích cây xanh, đất dành cho giao thông, đất không gian trống; chưa có giải pháp phòng ngừa tai biến thiên nhiên như động đất, lún đất. Trong khi đó, quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, mật độ xây dựng quá cao.



Môi trường Hà Nội còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết. (Ảnh: Báo Tin tức)

Ông Hải dẫn chứng, thành phố Hà Nội đã xây dựng các quy hoạch môi trường chuyên ngành như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom rác thải, các bãi chôn lấp rác… Tuy nhiên phần lớn các quy hoạch trên được xây dựng khi chưa có quy hoạch chức năng môi trường, có thể dẫn đến hiệu quả kém, thậm chí xung đột với nhau. Chẳng hạn như việc xây dựng bãi rác Xuân Sơn và nhà máy đốt rác trên bờ hồ chứa nước Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nước hồ, đang là nguồn cấp nước cho toàn bộ dân cư thị xã Sơn Tây. Việc không tách biệt hệ thống thoát nước thải khỏi hệ thống thoát nước mưa của thành phố đang làm cho các dự án xử lý nước thải đô thị kém khả thi, vì đáng lý ra chỉ phải xử lý một lượng nhỏ nước thải thì cần phải xử lý toàn bộ nước thải và nước mưa của các sông và kênh thoát nước. Hay như việc thiếu nghiên cứu về trục thoát nước chính cho Hà Nội, ví dụ trục thoát nước sông Đáy thay cho sông Nhuệ hiện nay đang làm cho việc cải tạo hệ thống thoát nước Hà Nội vào mùa mưa không phát huy tối đa hiệu quả…

Cũng từ thực tế triển khai công tác bảo vệ môi trường tại Hà Nội cho thấy, mặc dù là đô thị điển hình cho cả nước, có Luật Thủ đô riêng, nhưng do chưa có các quy định riêng về công cụ và chế tài xử lý các vi phạm môi trường đầy đủ nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Đáng báo động là vấn đề ô nhiễm không khí (bụi và khí độc khu vực nội thành, các công trường xây dựng, các khu vực làng nghề và khu công nghiệp, đốt rơm sau thu hoạch); ô nhiễm nước mặt trong các hồ đô thị, các sông và kênh thoát nước, ô nhiễm nước ngầm; ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không phân loại tại các đô thị; ô nhiễm môi trường tại các bãi rác; ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư nông thôn…

Cần những giải pháp đồng bộ

Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật về môi trường cho các tổ chức và công dân; tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án môi trường, nhất là các dự án xử lý rác thải, nước thải, khí bụi; phối hợp với các nhà đầu tư giải quyết vướng mắc trong quá trình xây dựng công trình và vận hành, khai thác.

Từ nay đến năm 2030, Hà Nội cần 1.350 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 80 làng nghề trọng điểm. Bên cạnh việc đầu tư bằng kinh phí Nhà nước, thành phố rất khuyến khích xã hội hóa bảo vệ môi trường, phấn đấu tăng tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt trong ngày tại các huyện đạt trên 95%…


Thành phố Hà Nội cũng tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2020. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Tuy đã có những lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường Thủ đô nhưng quan trọng nhất vẫn là các tổ chức cũng như người dân phải tự ý thức và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường. Bởi chính cộng đồng là những người trực tiếp tham gia sản xuất, cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của việc ô nhiễm.

Theo Minh Nghĩa/Báo Tin tức, 11/06/2015

Quảng Bình: Rà soát lại đánh giá tác động môi trường các dự án nạo vét cửa sông


Cửa sông Nhật Lệ hiện đang bị bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu thuyền qua lại rất khó khăn
Ngày 11.6, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, liên quan đến các dự án nạo vét thông luồng, tận thu cát trên địa bàn, UBND tỉnh đã tiến hành họp với các cơ quan chức năng và yêu cầu rà soát lại đánh giá tác động môi trường.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã yêu cầu sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì cùng các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiêm về chống xói lở bờ biển, của sông, tiến hành rà soát lại đánh giá tác động môi trường các dự án nạo vét tận thu cát trên địa bàn và đề xuất giải pháp chống xói lở trước mắt và lâu dài.

Hiện tại tỉnh Quảng Bình có 6 dự án nạo vét thông luồng tại các cửa sông, trong đó có 3 dự án đã triển khai tại cửa sông Gianh, cửa sông Nhật Lệ và dự án nạo vét luồng sông Son; 3 dự án còn lại tại cửa Lý Hòa, cửa sông Dinh và cửa Ròn đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai.

Trong đó đáng chú ý là dự án nạo vét cửa Nhật Lệ do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Kim Việt thực hiện. Dự án trên thực hiện từ tháng 8.2014 với tổng kinh phí hơn 130 tỉ đồng theo hình thức “xã hội hóa” với lượng cát dự kiến nạo vét là hơn 2,2 triệu m3, sau đó đem bán ra nước ngoài để có tiền thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau khi bắt đầu triển khai, người dân địa phương và các chuyên gia môi trường đã phản ứng và lo ngại về khối lượng và vị trí nạo vét sẽ gây sạt lở bờ biển. Từ tháng 10.2014 đến nay Công ty trên ngừng nạo vét.

Như Lao Động đã thông tin, ngày 8.6 UBND TP.Đồng Hới đã lập đoàn kiểm tra thực tế và có công văn báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Bình về tình trạng sạt lở nghiêm trọng đang xảy ra tại 3 khu vực dọc bờ biển Nhật Lệ và bờ biển Mỹ Cảnh Bảo Ninh, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành liên quan có hướng giải quyết.

Việt Nam bị tác hại môi trường vì hoạt động của TQ ở Biển Đông


Tàu nạo vét của Trung Quốc trong vùng biển quanh đảo Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Các chuyến bay trinh sát của Mỹ gần những bãi cạn mà Trung Quốc đang cải tạo cho thấy mấy mươi chiếc tàu đang ráo riết tiến hành hoạt động lấy đất lấp biển.

Quan ngại lớn nhất của người Việt trong nước hiện nay là vấn đề biển Đông, theo một cuộc thăm dò ý kiến quy mô lớn với sự tham gia của hơn 3 nghìn người ở Việt Nam.

Việt Nam và Philippines là các nước chịu tác động môi trường trước nhất từ hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc ở Biển Đông, theo khuyến cáo từ một khoa học gia cấp cao của Philippines.

Truyền thông Philippines ngày 11/6 dẫn lời cựu Bộ trưởng Môi trường Angel Alcala cảnh báo rằng các dự án xây dựng Bắc Kinh đang tiến hành ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể gây ra những tổn thất nặng nề về mặt đa dạng sinh học và làm ảnh hưởng tới nguồn cá trong dài hạn.

Ông lưu ý Việt Nam và Philippines, hai trong số các nước có tranh chấp chủ quyền tại đây, nằm gần các công trình xây dựng của Bắc Kinh nhất.

Ông Alcala nói tác động rõ ràng có thể trông thấy từ các dự án này là sự sút giảm quan trọng về đa dạng sinh học, cản trở việc sinh sản của các nguồn tôm cá, và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của các cộng đồng cư dân duyên hải.

Trung Quốc đang nhanh chóng triển khai các kế hoạch khai hoang tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông trong nỗ lực khẳng định các tuyên bố chủ quyền bành trướng của họ.

Chính phủ Philippines cũng đã lên tiếng khuyến cáo rằng Bắc Kinh đang gây ra những thiệt hại to lớn không thể tránh cho môi trường và cân bằng sinh thái Biển Đông.

Manila nói các công trình xây dựng của Trung Quốc ít nhất đã phá hủy 300 mẫu san hô tại đây, dẫn tới thiệt hại kinh tế mỗi năm hàng trăm triệu đô la.

Việt Nam chưa lên tiếng phản hồi chính thức về việc này.

Trung Quốc phớt lờ các lời chỉ trích từ quốc tế, một mực khẳng định hoạt động của họ trên Biển Đông nằm trong phạm vi chủ quyền quốc gia.

Nguồn: Philstar.com/ Indonesia.shafaqna.com

Chưa xử lý nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng

Bộ TN-MT cho biết, hiện trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức rất đáng lo ngại. Thống kê đến nay, cả nước phát sinh khoảng 44 triệu tấn chất thải rắn đô thị. Hơn 70% trong tổng lượng chất thải rắn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp nên nguy cơ phát sinh ô nhiễm rất cao. Về ô nhiễm không khí, diễn biến tại các đô thị lớn từ năm 2005 đến nay liên tục tăng.

Riêng nồng độ bụi tại các nút giao thông lớn của TP Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Quảng Ninh luôn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 3 lần. Về chất lượng nguồn nước, ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và Đồng Nai đang bị ô nhiễm cục bộ bởi chất thải hữu cơ, chất thải rắn lơ lửng, hàm lượng BOD5 vượt ngưỡng cho phép. Cá biệt có những điểm chỉ số kim loại nặng, dầu mỡ, vi sinh xấp xỉ ngưỡng cho phép vào mùa khô. Không chỉ vậy, cả nước còn 56 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng không thể xử lý được…

Xuân Minh

Quảng Trị: Ô nhiễm nghiêm trọng ở làng nghề sản xuất bún

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân làng Linh Chiểu, Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, phải sống chung với mùi hôi thối từ các cơ sở sản xuất bún. Nước thải từ các điểm sản xuất này do không được xử lý triệt để cứ chảy thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Sống chung với ô nhiễm...

Đến làng nghề làm bún Triệu Sơn vào những ngày nắng nóng, không khó để cảm nhận mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ các cơ sở này, theo không khí lan vào khu dân cư. Cùng với đó, từng dòng nước thải trắng đục, sủi bọt từ các điểm làm bún, do không được xử lý triệt để cứ chảy ra bên ngoài tạo nên một thứ mùi hôi hỗn độn. Theo quan sát, khi chảy ra các dòng kênh, nước thải kết tủa thành một màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc.



Dòng nước thải ra môi trường bị kết tủa thành một màu đen đặc quánh

Dẫn chúng tôi đi “thị sát” một dòng kênh đen ngòm do ô nhiễm từ nước thải của các điểm làm bún, chị Nguyễn Thị Hoa – người dân làng Linh Chiểu, bức xúc: “Họ làm bún bán có tiền, còn người dân chúng tôi thì phải chịu đựng mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm. Người khỏe mạnh còn chịu được chứ người già và trẻ nhỏ thì ngửi mùi hôi như vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Người dân bức xúc vì mỗi ngày phải chịu đựng mùi hôi thối từ những điểm làm bún

Theo những người dân địa phương, các cơ sở sản xuất bún hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, ở mọi thời điểm nên lúc nào người dân cũng phải chịu đựng thứ mùi hôi kinh khủng của nước thải.

Anh Nguyễn Ngọc Phong, cho biết: “Thực trạng ô nhiễm như thế này đã tồn tại hàng chục năm qua. Vào những lúc trời nắng to, kèm theo gió nam là người dân địa phương phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc không thể chịu nổi”.

Do không được xử lý triệt để nên nước thải từ những điểm sản xuất này cứ chảy ra môi trường

Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Phong tiếp tục cùng chúng tôi đến một con mương chảy qua giữa khu dân cư. Thật kinh khủng, do quá trình tích tụ lâu ngày nên nguồn nước tại đây đặc quánh một màu đen, bốc mùi hôi. Theo tìm hiểu thì quá trình sản xuất bún từ việc vo gạo, ngâm, nghiền, ủ bột…đến bún thành phẩm đều phát sinh nhiều nước thải, với nguy cơ ô nhiễm rất cao.

Mỗi khi các điểm làm bún hoạt động, những dòng nước trắng đục hòa theo các con mương

Được biết, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này đến các cơ quan chức trách, song vấn đề ô nhiễm vẫn đang tồn tại, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật cho người dân.

Bế tắc trong khâu xử lý

Theo thống kê của UBND xã Triệu Sơn, tại 2 làng Linh Chiểu, Thượng Trạch hiện có khoảng gần 160 hộ dân làm bún. Trong khi đó, 2 làng có khoảng gần 700 hộ dân cư đang sinh sống.

Trong chừng mực nào đó, việc phát triển làng nghề làm bún tại xã này đã tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường nảy sinh từ nước thải của các cơ sở làm bún thì dường như chưa được quan tâm xử lý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn cho biết: Trước đây, việc làm bún còn mang tính chất thủ công, nhỏ lẻ thì mức độ ô nhiễm ít hơn. Nhưng hiện nay, do nhiều hộ đã đầu tư các loại máy móc để nâng cao sản lượng bún thành phẩm nên phát sinh một lượng nước thải khá lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện toàn xã có khoảng 25 hệ thống máy chế biến bún, với công suất 6 tạ/ngày.

Tình trạng ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất này đã tồn tại hàng chục năm nay nhưng chưa được xử lý

“Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của nhà nước và các dự án, một số hộ dân cũng đã tự bỏ vốn đầu tư xây dựng bể lắng, hệ thống xử lý nước thải, nhưng còn rất ít nên chưa triệt để. Chính vì vậy, mỗi ngày vẫn có một lượng nước thải rất lớn chảy ra môi trường. Địa phương cũng đã phản ánh vấn đề này lên cấp trên nhưng chưa có vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung” - ông Vọng nói.

Theo ông Vọng, trước đây tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định phê duyệt đầu tư “Điểm công nghiệp làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, xã Triệu Sơn”, với nguồn vốn hơn 7 tỷ đồng. Theo quy hoạch, khi dự án hoàn thành sẽ có khoảng 24 hộ sản xuất được chuyển đến đây. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dự án này bị ngưng lại và không được đưa vào danh mục đầu tư. Trong quá trình chờ đợi, năm 2014, huyện Triệu Phong đã đầu tư 900 triệu đồng để làm mặt bằng và hệ thống đường. Nhưng do không có vốn để làm tiếp nên khu quy hoạch này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Do không có vốn nên điểm quy hoạch làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng mặt bằng

Bà Nguyễn Triều Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, phụ trách mảng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường này sinh từ quá trình sản xuất bún tại 2 làng nghề Linh Chiểu và Thượng Trạch (xã Triệu Sơn) như phản ánh là đúng thực tế.

Theo UBND huyện Triệu Phong: Qua nhiều đợt kiểm tra, lực lượng chức năng tại địa phương phát hiện việc ô nhiễm tại những điểm này là phổ biến. Địa phương đã có những giải pháp thiết thực, xây dựng phương án xử lý nước thải ra môi trường như bể lắng, hầm bi-o-ga nhằm hạn chế việc lây lan trong nguồn nước, môi trường và không khí. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng trên.

Về phương án xử lý, dù đã được tỉnh phê duyệt xây dựng “Điểm công nghiệp – làng nghề sản xuất bún xã Triệu Sơn”, với tổng mức đầu tư hơn 7,1 tỷ đồng. Thế nhưng, hiện mới chỉ hoàn thành việc san nền, xây dựng đường giao thông. Năm 2015, do công trình không được bố trí tiếp nguồn vốn nên chưa thể hoàn thành dự án theo kế hoạch. Khi được đầu tư xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng thiết yếu sẽ tổ chức di dời toàn bộ các hộ dân về đây để tập trung giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường. Đăng Đức

Chịu đựng ô nhiễm

Nhiều vùng ngoại thành TP HCM đang bị ô nhiễm do những cơ sở sản xuất nằm đan xen trong khu dân cư

Thời gian qua, Báo Người Lao Động đã nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc liên quan đến việc các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư ở ngoại thành TP HCM gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Bán nhà, dọn đi nơi khác

Theo người dân phường Đông Hưng Thuận, quận 12, từ nhiều năm nay, các cơ sở dệt, nhuộm, giặt, tái chế giấy ở khu phố 4 liên tục xả khói bụi ra khu dân cư.

“Cứ đều đặn 5 giờ và 19 giờ, họ lại xả khói bụi. Sống trong cảnh ô nhiễm, người lớn nhức đầu, sổ mũi còn trẻ em thì ho khan cả cổ, bị hen suyễn. Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư nhưng hơn 10 năm qua, họ vẫn sản xuất và chúng tôi vẫn phải cắn răng chịu đựng” - chị Nguyễn Thị Hương (đường Nguyễn Văn Quá) bức xúc.

Khói bụi từ Công ty TNHH Sản xuất nhựa và Thương mại Thông Hưng trên Tỉnh lộ 10 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng khiến người dân khốn khổ. “Bụi thải ra từ công ty dạng sợi li ti, khi dính vào da gây ngứa ngáy, gãi chừng nào thì ngứa chừng nấy. Không chỉ vậy, công ty còn xả thải trực tiếp ra kênh khiến dòng nước đen ngòm, hôi thối” - ông Nguyễn Văn Thanh và nhiều người dân ở Tỉnh lộ 10 cho biết.



Ống khói của Xí nghiệp Casumina Bình Lợi (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) thải mùi hôi nồng nặc ra khu dân cư

Một số cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên đường Nguyễn Văn Quỳ (phường Tân Thuận Tây, quận 7) cũng thường xuyên thải ra khu dân cư mùi hôi khó chịu vào mỗi buổi tối. Anh Nguyễn Thanh Phương (ngụ đường số 8, khu dân cư Nam Long) lo ngại: “Khoảng 2 năm nay, từ 20 giờ trở đi là mùi hôi bay khắp xóm. Nhà tôi cách xa hàng trăm mét nhưng vẫn ngửi thấy mùi này”.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thanh Hương (ngụ chung cư An Hòa 5, phường Tân Thuận Tây) cho biết vì không chịu nổi, nhiều hộ dân ở chung cư đã phải bán nhà hoặc chuẩn bị dọn đi nơi khác. Những ai không có khả năng đành phải đóng các cửa, “cố thủ” trong nhà chịu đựng. Người dân đã phản ánh lên UBND phường, yêu cầu di dời những cơ sở hoạt động gây ô nhiễm nhưng kết quả chẳng đến đâu.

Trong khi đó, dù bị xử phạt nhiều lần nhưng từ 9-16 giờ hằng ngày, cơ sở nhuộm sợi ở 55/11/7 Phú Châu, phường Tam Bình, quận Thủ Đức vẫn xả chất thải nhiễm hóa chất ra hệ thống cống trước nhà dân. Cũng ở quận Thủ Đức, Xí nghiệp Casumina Bình Lợi (phường Hiệp Bình Chánh) liên tục xả khói đen ngòm có mùi hôi nồng nặc bay khắp khu dân cư...

Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Trước phản ánh của người dân về cơ sở nhuộm sợi ở địa chỉ 55/11/7 Phú Châu, đại diện UBND phường Tam Bình cho biết đã phối hợp với Phòng Kinh tế quận Thủ Đức đến kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh nên UBND quận đã ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng, yêu cầu ngưng hoạt động. “Hai lần kiểm tra mới nhất, phường ghi nhận chủ cơ sở đã ngưng hoạt động và chấp hành đóng phạt” - một cán bộ phường nói.

Đối với Xí nghiệp Casumina Bình Lợi, ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết tháng 9-2014, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Thủ Đức và UBND phường đã kiểm tra về môi trường. Xí nghiệp này có đủ hồ sơ về môi trường và phòng cháy chữa cháy. Theo kế hoạch, cơ sở này phải di dời khỏi khu dân cư vì không phù hợp quy hoạch.

Còn theo UBND phường Tân Tạo, phường đang phối hợp với UBND quận Bình Tân kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm của Công ty TNHH Sản xuất nhựa - Thương mại Thông Hưng.

Riêng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm xen cài trong khu dân cư tập trung ở khu phố 4 và khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, UBND TP HCM đã có chủ trương di dời vào KCN Lê Minh Xuân 3. Ngày 20-5, UBND quận 12 đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCX-KCN TP, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn triển khai chủ trương của UBND TP về việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm tại khu phố 4 và khu phố 5 vào KCN Lê Minh Xuân 3.

Kết quả, 16 cơ sở đồng ý di dời vào KCN Lê Minh Xuân 3, các cơ sở còn lại tự di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề. Các cơ sở muốn di dời vào KCN Lê Minh Xuân 3 đều có ý kiến xin giảm phí sử dụng hạ tầng, đồng thời kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM cho phép được khai thác nước ngầm vì nước máy không phù hợp với sản xuất nhuộm.

Từ tháng 5-2015 đến nay, UBND quận 12 đã tăng cường kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, lập hồ sơ chuyển Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM xử lý 9 trường hợp (3 trường hợp thuộc diện bị cấm hoạt động).


Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Ô nhiễm vẫn tràn lan

Nhiều cơ sở ô nhiễm có tên trong danh sách di dời của UBND TP HCM nhưng hơn 10 năm qua vẫn không thực hiện. Do vậy, vấn đề cải thiện ô nhiễm của TP chưa được giải quyết triệt để

HĐND TP HCM đang thực hiện giám sát việc di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường và có nguy cơ cháy nổ xen cài trong khu dân cư tại một số quận, huyện vùng ven và ngoại thành. Kết quả cho thấy còn nhiều cơ sở sản xuất có nguy cơ cao nằm xen lẫn trong khu dân cư, trong khi việc xử lý lại quá khó.

Cơ sở nhỏ “nhảy cóc”

Các quận, huyện này vốn là nơi tiếp nhận cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nội thành nhưng hiện cũng bị các cơ sở này “đầu độc”.

Quận Bình Tân có gần 13.800 cơ sở sản xuất nhưng đến 90% hoạt động trong khu dân cư. Năm 2014, quận thống kê được 164 cơ sở nằm trong khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm cao, gồm các ngành nghề: tái chế phế liệu, dệt nhuộm, xi mạ… Quận đã vận động 26 cơ sở ra khỏi khu dân cư do không có khả năng khắc phục ô nhiễm, cưỡng chế 12 cơ sở.


Nhiều cơ sở sản xuất trong khu dân cư ở quận Bình Tân, TP HCM có nguy cơ gây ô nhiễm cao

Đầu năm 2015, quận Bình Tân tiếp tục rà soát và phát hiện thêm 104 cơ sở có nguy cơ ô nhiễm. Dù đã vận động 6 cơ sở ra khỏi khu dân cư nhưng chính lãnh đạo quận cũng băn khoăn với phương án di dời cơ sở ô nhiễm. Bởi lẽ, Bình Tân là nơi tiếp nhận cơ sở ô nhiễm từ quận 5, 6, 11… sau các chương trình di dời cơ sở ô nhiễm từ nội thành ra ngoại thành của TP.

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho rằng nếu phải tiếp tục di dời thì các cơ sở này không biết sẽ đi về đâu? “Long An, Tây Ninh hay Bình Dương thì chắc không nơi nào tiếp nhận. Về các khu công nghiệp hay cụm công nghiệp cũng không được vì diện tích nhà xưởng ở đây rất lớn, trong khi các cơ sở sản xuất hầu hết là hộ gia đình, cá thể, quy mô nhỏ lẻ. Còn muốn ở lại địa phương phải trang bị hệ thống xử lý chất thải nhưng nhiều cơ sở nhỏ lẻ không có khả năng làm việc đó. Vì vậy, họ cứ lén lút hoạt động về đêm, cấm chỗ này thì qua chỗ khác, thay tên đổi họ để hoạt động” - ông Chính nêu thực trạng.

Doanh nghiệp lớn kèm điều kiện

Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP mới đây, lãnh đạo quận Thủ Đức cho biết trên địa bàn có 79 đơn vị nằm trong Quyết định di dời của UBND TP năm 2003-2005. Đến nay, còn 8 doanh nghiệp (DN) chưa di dời, trong đó có 4 DN đề nghị rút tên khỏi danh sách di dời, 1 DN xin hoạt động thêm 20 năm. Thế nhưng, hầu hết ngành nghề hoạt động của các DN này không phù hợp với quy hoạch được duyệt, còn kế hoạch di dời đến nay vẫn là chuyện lâu dài.

Đơn cử như Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Thương mại Petrolimex có định hướng di dời đến xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè trong giai đoạn 2020-2025; Công ty Cao su Bình Lợi cũng định hướng di dời đến Bình Dương sau năm 2020 nhưng kèm điều kiện là TP cho vay vốn không lãi suất để phục vụ công tác di dời.

Theo UBND quận Bình Tân, vướng mắc trong công tác di dời hiện nay là do TP chưa có chủ trương hỗ trợ về vốn và lãi suất cho vay. Các cơ sở ô nhiễm xen cài trong khu dân cư thiếu địa điểm di dời. UBND TP bãi bỏ Quyết định số 200 về công bố danh sách ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư. Do đó, Bình Tân gặp khó khăn nhất định trong công tác kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Từ những khó khăn này, quận Bình Tân kiến nghị quy hoạch các cụm công nghiệp tiếp nhận cơ sở có quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, TP cần có chủ trương, chính sách hỗ trợ vốn vay và lãi suất để các cơ sở đầu tư hệ thống xử lý chất thải.

Ô nhiễm từ nơi này chuyển sang nơi khác

Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 nằm trong danh sách di dời theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký năm 2003 nhưng hiện vẫn chưa di dời. Mới đây, UBND TP có văn bản yêu cầu đơn vị này phải hoàn thành việc di dời trong năm 2016. Dẫu vậy, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, tỏ ra nhẹ nhõm khi báo cáo với đoàn giám sát của HĐND TP rằng tình trạng ô nhiễm khu vực này đã đỡ rất nhiều. “Công ty này trước đây nghiền, làm bao bì gây ô nhiễm nhiều nhưng giờ “ổng” đưa máy nghiền qua quận 9 nên đỡ nhiều rồi... Nói chung là Thủ Đức không còn ô nhiễm nữa!” - ông Dũng hồ hởi. Quả thật, “gánh nặng” bao năm của quận Thủ Đức đã chuyển sang quận 9 khiến người dân phường Long Trường kêu trời vì ô nhiễm. Một lãnh đạo quận 9 lo ngại: “Theo quy hoạch, xung quanh Công ty Hà Tiên là khu dân cư. Vì thế, trong tương lai, số người bị ảnh hưởng và khiếu nại vì ô nhiễm sẽ còn gia tăng”.

Gây ô nhiễm vẫn xây dựng mở rộng

Một cơ sở sản xuất phế phẩm hải sản ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa có nước thải hôi thối khiến cho không khí trong khu vực bị ô nhiễm. Đã vậy, cơ sở này tiếp tục mở rộng xây dựng xưởng sản xuất khiến người dân địa phương lo ngại...

Thời gian vừa qua, người dân xã Suối Cát nhiều lần phản ánh về việc cơ sở chế biến phế phẩm hải sản của gia đình ông Nguyễn Chí Nam (đóng tại thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát) gây ô nhiễm môi trường. Theo những hộ dân sống gần cơ sở này, gia đình ông Nam chuyên mua đầu tôm về chiết xuất chất Chitin nên nước thải ra gây hôi thối không chịu nổi. Ngoài ra, các loại phế phẩm hải sản mà gia đình ông Nam mua về khiến cho ruồi nhặng ở khu vực này sinh sản rất nhiều. Ông Lê Văn Lộc (trú thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát) nói: “Cơ sở này xây dựng trên đất nông nghiệp, chế biến đầu tôm, đầu cá gây ô nhiễm môi trường. Mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Mùa mưa họ còn xả nước thải ra suối làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân trong khu vực. Dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã, lên huyện nhưng cơ sở này vẫn chưa khắc phục”.


Ao nước ô thải ô nhiễm.....

Hiện gia đình ông Nam tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất làm người dân lo lắng. Ông Nguyễn Văn Châu (trú thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát) phản ánh: “Cơ sở của ông Nam xây dựng trái phép, sai mục đích sử dụng đất, không đúng quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường đã nhiều năm nay. Cơ sở này tồn tại trên diện tích đất khoảng 8.000m2 với khoảng 400m2 nhà xưởng. Với diện tích này, người dân đã không chịu nổi, nếu ông Nam còn tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất thì không biết sẽ ô nhiễm đến cỡ nào?”. Trước thực trạng đó, người dân đề nghị UBND xã Suối Cát, UBND huyện Cam Lâm kiểm tra, và yêu cầu di dời cơ sở sản xuất này vào các khu công nghiệp.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, UBND huyện Cam Lâm từng đưa cơ sở này vào danh sách những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Kết quả kiểm tra của UBND huyện mới đây xác định rõ, hiện cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải được thu gom chứa vào ao đất không có lót đáy; một phần thấm rút tự nhiên, một phần thuê xe hút hầm hút đi thải bỏ, lưu lượng xả thải khoảng hơn 10m3/ngày. Nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Phân tích mẫu nước và so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, thủy sản thì nước thải ở cơ sở của ông Nam có 4/7 thông số phân tích vượt quy chuẩn cho phép. UBND huyện Cam Lâm đã ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng.


.... và phần nhà xưởng xây dựng trái phép

Trao đổi với chúng tôi, ông Nam thừa nhận việc sản xuất Chitin gây ô nhiễm là đúng vì không có cách gì để khắc phục được tình trạng này. “Tuy nhiên, hiện tôi đã dừng việc làm Chitin, chuyển sang chế biến các phế phẩm hải sản thành bột bán cho các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Cũng vì chuyển hình thức sản xuất để tránh ô nhiễm nên tôi mới đầu tư giàn máy sấy khô nguyên liệu để không có nước thải như trước đây. Nhưng mới xây lại nhà xưởng thì bị người dân khiếu nại” - ông Nam nói.

Xung quanh vấn đề này, ông Phan Ngọc Châu - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm khẳng định: “Cơ sở sản xuất của ông Nam có gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ngày 1-6, phòng có đi kiểm tra thì cơ sở này không còn sản xuất nữa. Đối với việc xây dựng trái phép thì Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra và yêu cầu dừng thi công. Ông Nam đang chuyển sang sản xuất bột tôm, cá để tránh ô nhiễm nên phải xây dựng lại nhà xưởng là hợp lý. Song việc xây dựng này chưa có phép, do đó trong thời gian tới, ông Nam phải xin chuyển mục đích sử dụng đất và bổ sung một số thủ tục cần thiết thì mới được tiếp tục xây dựng”.


Đình Lâm - Vĩnh Thành

Biểu tình phản đối gây ô nhiễm ở Vĩnh Tân, 6 người bị bắt


Người dân biểu tình chặn xe ở quốc lộ 1 qua xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận ngày 15 tháng 4, 2015

Hôm nay công an huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã ra lệnh bắt giam sáu người ở xã Vĩnh Tân về tội gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.

Báo chí trong nước loan báo tin này nhưng không nêu danh tánh những người bị bắt.

Vụ bắt giữ này liên quan đến cuộc biểu tình của hàng ngàn người dân vào hai ngày 14 và 15 tháng tư tại xã Vĩnh Tân chống lại việc nhà máy điện Vĩnh Tân tại đây gây ô nhiễm môi trường.

Xin nhắc lại là vào hai ngày 14 và 15 tháng tư vừa qua, dân chúng xã Vĩnh Tân đã tập trung biểu tình yêu cầu nhà máy điện Vĩnh Tân không đổ xỉ than của nhà máy này làm ô nhiễm không khí.

Cuộc biểu tình được biết là đã dẫn đến đập phá làm hư hại khách sạn Vĩnh Hảo tại đó, nhiều xe cộ bị hư hại. Ngoài ra quốc lộ 1A cũng bị đám đông làm tắc nghẽn nhiều giờ liền, và có nhiều công an bị thương khi đến giải tán đám biểu tình.

Sự thật về "xã ung thư" do "ô nhiễm" từ nghĩa trang Thanh Tước

“Mặc dù đã dừng không hung táng từ ngày 13/3/2015 nhưng theo số liệu quan trắc, vẫn còn chỉ tiêu có thể ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh nghĩa trang Thanh Tước…”

Đó là một trong số những thông tin được Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hà Huy Quang cho biết tại tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 9/6.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, nghĩa trang Thanh Tước do Ban phục vụ lễ tang Hà Nội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.

Nghĩa trang có từ năm 1962, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Đa Phúc, năm 1995 được bổ sung nhiệm vụ mai táng vĩnh viễn đối với cán bộ trung, cao cấp. Từ năm 2010 ngừng nhập mai táng vĩnh viễn, chỉ giải quyết nhập mộ những trường hợp đã đăng ký hợp đồng từ trước (hàng năm chỉ có 2 – 3 trường hợp nhập mộ).

Phó Chủ tịch huyện Mê Linh (Hà Nội) Hà Huy Quang cho hay: Nghĩa trang Thanh Tước đã dừng hung táng từ ngày 13/3.


Năm 2013, nhân dân xung quanh đã có nhiều ý kiến phản ánh về môi trường tại khu vực nghĩa trang. UBND huyện đã báo cáo UBND Thành phố và UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội kiểm tra làm rõ. Theo kết quả quan trắc của Chi cục bảo vệ môi trường, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thì còn tồn tại yếu tố có thể ảnh hưởng đến môi trường (nước mặt, nước ngầm). Ngay sau đó, Ban phục vụ lễ tang Hà Nội đã lập Đề án bảo vệ môi trường tại Nghĩa trang Thanh Tước và được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Cuối năm 2014, nhân dân vẫn tiếp tục phản ánh nghi ngại có ô nhiễm môi trường do hoạt động của nghĩa trang, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra và họp với các ban, ngành liên quan đề nghị kiểm tra, báo cáo UBND Thành phố.

Cụ thể, UBND huyện đã nhận được báo cáo của Ban phục vụ lễ tang Hà Nội, trong đó khẳng định: “Hoạt động của nghĩa trang Thanh Tước không gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh nghĩa trang”.

Đồng thời, huyện cũng nhận được báo cáo của Sở Tài nguyên và môi trường có nêu: Chất lượng không khí xung quanh đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn, chất lượng nước mặt tại hồ bán nguyệt nằm trong khuôn viên nghĩa trang các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, ngoại trừ chỉ tiêu dầu mỡ cao hơn 0,1mg/l so với quy chuẩn; chất lượng nước ngầm có chỉ tiêu coliform vượt quy chuẩn 2,3 lần.

“Như vậy, theo số liệu quan trắc trên thì vẫn còn chỉ tiêu có thể ảnh hưởng đến môi trường khu vực xung quanh nghĩa trang Thanh Tước”, ông Quang nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của báo chí đề nghị lãnh đạo huyện Mê Linh khẳng định nghĩa trang Thanh Tước có gây ô nhiễm hay không? Ông Quang cho rằng, bản thân UBND huyện cũng rất mong muốn làm rõ vấn đề này.

“Do đó, để đánh giá toàn diện, UBND Thành phố đã giao Sở Tài Nguyên Môi trường tiếp tục lấy mẫu quan trắc, với 10 mẫu nguồn nước giếng khoan ở các khoảng cách khác nhau để kiểm tra. Sau khi có kết quả sẽ thông tin chính thức đến các cơ quan”, ông Quang cho biết thêm.

Song, để thống nhất phương án giải quyết trước mắt và lâu dài, vị Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho hay, nhằm giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan liên quan đã thống nhất phương án dừng không hung táng; tiếp tục xử lý nước mặt tại hồ bán nguyệt để đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường xung quanh; bổ sung thêm cây xanh, bê tông hóa bề mặt khu mộ để giảm nước mặt thấm xuống đất.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ban Phục vụ lễ tang tổ chức đo quan trắc định kỳ hàng năm; chủ động tổ chức giám sát, đo quan trắc để kịp thời chấn chỉnh Ban phục vụ Lễ tang – Sở Lao động Thương binh và Xã hội đảm bảo công tác vệ sinh môi trường theo quy định. Đồng thời, kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đơn vị chủ đầu tư dự án cấp nước sạch cho 3 xã Thanh Lâm, Tam Đồng, Đại Thịnh sớm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đầu tư.

Ngoài ra, liên quan đến thông tin một số báo có phản ánh, người dân ở xã Thanh Lâm (Mê Linh) sau khi dùng nước ô nhiễm từ nghĩa trang Thanh Tước đã khiến nhiều người bị ung thư, từ năm 2005 đến nay ở khu đường 23 đã có 64 người chết vì ung thư, ông Quang cho hay thông tin đó là không có cơ sở bởi theo số liệu thống kê, theo dõi tại sổ giấy khai tử thuộc khu đường 23 do UBND xã Thanh Lâm quản lý từ năm 2005 đến ngày 31/12/2014 chỉ có 22 người chết, trong đó duy nhất chỉ có 1 trường hợp bị ung thư.

Minh Thư

Nỗi lo nguồn nước ô nhiễm từ nghĩa trang Thanh Tước

Rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh được đặt ra tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều ngày 9/6, trong đó báo chí tập trung vào vấn đề thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh phản ánh họ đang phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ nghĩa trang Thanh Tước.

Điều đáng lo ngại là nhiều người trong xã đã mắc căn bệnh ung thư. Đại diện UBND huyện Mê Linh đã có mặt để giải đáp những câu hỏi của các phóng viên báo chí.

Trước vấn đề nóng mà báo chí phản ánh về bức xúc của người dân sống gần nghĩa trang Thanh Tước, huyện Mê Linh với nội dung: Người dân ở đây đang phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm nặng từ nghĩa trang này; hay từ năm 2005 đến nay đã có 64 người chết ở khu đường 23 vì căn bệnh ung thư. Vậy địa phương đã có sự phối hợp với các sở ngành liên quan như thế nào để xác định nguyên nhân gây ung thư và ô nhiễm nguồn nước tại đây?

Có mặt tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Hà Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Minh cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội để làm rõ thông tin báo chí phản ánh.

Ông Hà Huy Quang thông tin: "Trước tiên nói về thông tin ung thư, họ có đi kiểm tra chất lượng nước của các thôn thì chỉ số gây ung thư đều nằm trong giới hạn cho phép. Cái việc thứ 2 là Sở Y tế có văn bản là theo số liệu kiểm tra và của Trung tâm y tế huyện báo cáo thì người ta khẳng định là thông tin và nói về chuyện 64 người bị ung thư là không có cơ sở. Cái ý thứ 2 chúng tôi muốn báo cáo với Hội nghị về ý này là việc mà khẳng định cái nghĩa trang này có ô nhiễm hay không và ô nhiễm ở mức nào thì việc quan trắc của chủ quản lý ở trong khu vực, ban quản lý nghĩa trang thì quan trắc ở khu vực của người ta, Sở Tài nguyên môi trường thì theo định kỳ quan trắc một số điểm".

Tuy nhiên, ngay lập tức sau đó, rất nhiều phóng viên báo chí đã trực tiếp đến hiện trường không đồng tình với phát biểu của ông Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh.

Nhiều phóng viên đặt ra câu hỏi: Tại sao quan trắc viên khi lấy nước để quan trắc chỉ lấy ở những khu vực không ô nhiễm nhiều, theo hướng chủ quan trong khi những nơi bị ô nhiễm nặng thì lại không lấy mẫu nước?

Các phóng viên đề nghị UBND huyện Mê Linh phải yêu cầu các đơn vị quan trắc lấy mẫu một cách nghiêm túc, đúng nguồn nước bị ô nhiễm để Hà Nội có hướng giải quyết.

Về vấn đề này, ông Quang cho biết: "Để đánh giá toàn diện hoạt động nghĩa trang Thanh Tước có ảnh hưởng tới môi trường hay không thì Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội đã chủ trì phối hợp với Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, Ủy ban Huyện Mê Linh, xã Thanh lâm tiến hành lấy 10 mẫu nước giếng khoan của các hộ dân ở đây, và trong 10 mẫu này thì có từng khoảng cách một, 100m, 500m, 1000m và 5 mẫu để kiểm tra đánh giá. Sau khi có kết quả này, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức".

Ông Hà Huy Quang cũng chia sẻ thêm, từ khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội năm 2008 đến nay, 18 đơn vị hành chính gồm 16 xã và 2 thị trấn đang khát nước sạch. Vấn đề khan hiếm nguồn nước sạch, vấn đề ô nhiễm nghi ngờ xuất phát từ nghĩa trang Thanh Tước đang thực sự là nỗi lo lắng và bức xúc của người dân sinh sống trên địa bàn huyện Mê Linh.
BT

Xăng chính thức cõng 3.000 đồng thuế môi trường: Dân ngơ ngác

Người dân chưa biết từ 1/5, mỗi lít xăng sẽ cõng 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Họ chỉ quan tâm giá xăng có tăng, thuế dùng làm gì?
Đừng móc thêm từ túi dân là được

Ngày 2/5/2015, tại cây xăng trên đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), ông Đỗ Minh Công đang mua xăng tỏ ra ngạc nhiên:

"Tôi không để ý đến chuyện đấy, tại chưa thấy giá xăng tăng. Nếu tăng thuế mà giá xăng không vì thế mà tăng theo thì tôi không quan tâm. Bản thân mỗi lít xăng trước đây đã chịu đủ thứ thuế phí rồi, nên giờ nó có tăng cũng là chuyện quá bình thường, miễn đừng ảnh hưởng tới giá bán cho người dân là được."

Khi trao đổi với bà An, khách hàng tại cây xăng trên đường Giải Phóng, bà chia sẻ: "Tôi có nghe nói về việc sẽ tăng thuế gì đó nhưng thấy nhà nước bảo không ảnh hưởng đến giá xăng.

Nếu thực sự tăng thuế mà giá xăng tăng thì nhất định tôi không đồng ý. Các ông muốn làm gì thì làm, nhưng đừng động đến giá xăng là được. Vì giá xăng tăng là đủ thứ nó tăng, đến cả mớ rau cũng tăng đấy."

Mỗi lít xăng chính thức cõng 3.000 đồng tiền thuế môi trường từ ngày 1/5/2015 (Ảnh TTO)

Tăng thuế để làm gì?

Trong khi đó, chia sẻ với anh Vũ Tiến Thắng (35 tuổi, nhân viên ngân hàng) về thông tin này. Anh Thắng cho biết: "Tôi vừa đi du lịch về, sáng nay ra đổ xăng thấy có nói xì xào gì đấy, sau đó mở điện thoại ra mới biết là thuế môi trường tăng. Tôi biết nhà nước rục rịch tăng thuế này từ trước đây khoảng một tháng rồi.

Nhưng thời điểm tăng giá đúng vào dịp nghỉ lễ cũng hay. Bà con mải đi chơi, mải nghỉ lễ, chẳng ai đọc báo nghe đài nên dư luận chắc cũng sẽ nhẹ đi.

Tôi chỉ thấy buồn cười là khi giảm giá thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết với quốc tế thì họ lại tìm cách thu khác để bù vào. Với cả bản thân tôi cũng chưa hiểu được cái thuế bảo vệ môi trường ấy sẽ dùng vào việc gì cụ thể."

Chung quan điểm với anh Thắng, ông Cư (47 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi vẫn quan tâm đều tới tình hình thời sự. Việc đóng thuế là trách nhiệm của người dân, nhưng tôi muốn được biết tường tận đồng thuế đó sẽ được sử dụng làm gì. Tôi cảm thấy cái thuế bảo vệ môi trường nghe rất mơ hồ."

Bộ Tài chính cam kết việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường như trên sẽ không làm tăng giá xăng, dầu trong nước


Theo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, kể từ hôm 1/5, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng, nhiên liệu điều chỉnh từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít; dầu diezel từ 500 đồng/lít tăng lên 1.500 đồng/lít; dầu mazut từ 300 đồng/lít lên 900 đồng/lít. Còn mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đồng/lít.

Theo thông tin từ trước khi tăng thuế môi trường lên 3.000 đồng/lít xăng, thì cơ cấu giá xăng như sau. Trong 1 lít xăng RON 92 giá 17.280 đồng có cơ cấu giá gồm hai khoản chính là thuế và giá CIF (giá nhập về cảng, quy đổi theo tỷ giá ngân hàng).

Trong đó, thuế nhập khẩu là 3.527 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.571 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 1.360 đồng, thuế môi trường 1.000 đồng.

Được biết, Ngân sách bảo vệ môi trường năm 2014 tổng thu là 12.569 tỷ đồng. Trong đó đã chi 1.450 tỷ đồng.

Theo khẳng định của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường như trên sẽ không làm tăng giá xăng, dầu trong nước khi cùng một mặt bằng giá xăng dầu thế giới, cơ cấu thuế trong giá xăng, dầu không tăng mà còn giảm (mức tăng thuế bảo vệ môi trường như trên vẫn thấp hơn mức thuế nhập khẩu giảm do thực hiện theo các cam kết quốc tế).
Minh Tuệ

Xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi ở xã Hương Thọ

Sau khi Báo Nhân Dân phản ánh về trang trại chăn nuôi của Công ty CP Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên - Huế tại xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) gây ô nhiễm môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có Văn bản số 90/SNNPTNT-TTCN phản hồi, nội dung chính như sau:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cùng đại diện Phòng Kinh tế UBND thị xã Hương Trà, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ, Phó Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên - Huế tổ chức đi kiểm tra thực tế tại trang trại chăn nuôi. Kết quả kiểm tra nêu rõ: Nhìn chung, Công ty CP Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên - Huế đã làm đúng quy trình xả thải, nhưng chưa hoàn chỉnh: Có một đoạn bờ bao của hồ sinh học bị vỡ, tuy có đắp lại nhưng chưa chắc chắn, nước vẫn rò rỉ ra môi trường; có một hầm bi-ô-ga bị tắc nên một phần chất thải bị đổ trực tiếp ra hồ sinh học; nước tại hồ sinh học bị đục do chất thải đổ trực tiếp vào, chưa đạt độ trong bảo đảm...

Trước thực trạng nêu trên, đoàn kiểm tra đề nghị Công ty CP Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên - Huế triển khai các giải pháp khắc phục như sau: Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống hầm khí sinh học bi-ô-ga để hút chất thải tồn đọng, sửa chữa hỏng hóc hoặc xây mới thêm các hầm bi-ô-ga để bảo đảm toàn bộ chất thải đều phải qua hầm bi-ô-ga, không để nước trong hồ thấm ra ngoài môi trường; có phương án xử lý để hạn chế tối đa nước mưa từ bên ngoài tràn vào hồ sinh học; tăng cường sử dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học; chủ động phối hợp địa phương có kế hoạch đối thoại với người dân sống quanh khu vực chăn nuôi, để giải thích rõ các giải pháp bảo vệ môi trường đã thực hiện...

* Trả lời đơn của ông Hoàng Dự

Báo Nhân Dân vừa nhận được Công văn số 366/UBND-TN&MT của UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) trả lời đơn của ông Hoàng Dự, trú tại khu tập thể Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, thị trấn Trâu Quỳ kiến nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho 50 hộ gia đình cán bộ, nhân viên của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn.

Sau khi giao phòng chuyên môn kiểm tra hồ sơ, UBND huyện Gia Lâm có ý kiến như sau: Thực hiện Văn bản số 7302/UBND-KT ngày 30-9-2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc chuyển giao cơ sở nhà đất tại xóm 5, tổ dân phố Chính Trung, thị trấn Trâu Quỳ của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn đang quản lý, sử dụng về địa phương quản lý, ngày 31-10-2014, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn đã bàn giao khu đất trên cho UBND thị trấn Trâu Quỳ.

Căn cứ Ðiều 30 Quyết định số 24/2014/QÐ-UBND ngày 20-6-2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc Ban hành quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố được Luật Ðất đai 2013 và các Nghị định của Chính phủ giao về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài; chuyển mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất vườn, ao xen kẹt trong khu dân cư (không thuộc đất công) sang đất ở trên địa bàn TP Hà Nội; ngày 4-3-2015, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 172/TN&MT hướng dẫn ông Hoàng Dự liên hệ UBND thị trấn Trâu Quỳ để được xem xét, giải quyết theo quy định.

Hàng trăm hộ kinh doanh “chung tay bảo vệ môi trường các bãi biển”

Hàng trăm hộ kinh doanh, các nhà hàng khách sạn đã chung tay bảo vệ bãi biển Đồng Hới. Ảnh: Lê Phi LongNgày 19.4, tại bãi biển Nhật Lệ, UBND TP.Đồng Hới (Quảng Bình) và Ban Quản lý các bãi tắm biển thành phố đã tổ chức lễ ra quân "Chung tay bảo vệ môi trường các bãi biển".Tham dự có hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ trên tuyến biển Nhật Lệ, biển Bảo Ninh, các nhà hàng, khách sạn và các chiến sĩ Đồn Biên Phòng Nhật Lệ…


Bà Lê Thị Thu Cúc – Chánh văn phòng UBND TP.Đồng Hới – cho biết, đây là hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới 2015, đồng thời sẽ được duy trì thường xuyên nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách niệm của các doanh nghiêp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và đội ngũ những người làm công tác quản lý du lịch tại địa phương trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.

Được biết, bãi biển Nhật Lệ đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục lọt top 10 thắng cảnh du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam. Từ đó đến nay công tác bảo vệ môi trường tại các bãi biển đã được chú trọng thường xuyên. UBND TP.Đồng Hới luôn hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố nói chung và bãi biển Nhật Lệ nói riêng thành một điểm đến văn minh, thân thiện, hấp dẫn trong lòng du khách.