Phát triển thành công công nghệ biến rác thải thành năng lượng xanh


Xử lý rác thải công nghiệp theo mô hình 3R. Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Từ năm 2002, đến nay Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy lực-Máy (HMC) - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đã hình thành một công nghệ mới mang tên MBT-GRE (xử lý, tái chế và tái tạo chất thải rắn thành năng lượng-không chôn lấp), mang lại lợi nhuận kinh tế cho các chủ đầu tư và lợi ích môi trường cho cộng đồng xã hội.

Giám đốc Công ty HMC Nguyễn Gia Long - tác giả công nghệ MBT-GRE cho biết ngày 18/7/2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cấp Giấy chứng nhận số 925 cho phép nhân rộng công nghệ xử lý chất thải rắn thành nhiên liệu (MBT-CD.08) do ông sáng chế. Sau đó đã được Chính phủ Đan Mạch thông qua hợp phần SDU-Bộ Xây dựng mua 1 dây chuyền MBT-CD.08 công suất 50 tấn/ngày để trình diễn tại Dự án Sông Công-Thái Nguyên.

Trong chuyến thị sát kiểm tra hiệu quả của công nghệ này tại Thái Nguyên ngày 4/6/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: “Các Bộ, ngành Trung ương đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ đưa công nghệ MBT-CD.08 vào danh mục Sản phẩm trọng điểm Quốc gia, để chuẩn hóa và nhân rộng Công nghệ Việt Nam ra toàn quốc”.

Tuy vậy, công nghệ MBT-CD.08 xử lý và tái chế chất thải rắn sinh hoạt thành nhiên liệu-gạch không nung và không chôn lấp khi đi vào ứng dụng cũng đã bộc lộ một số nhược điểm cần phải khắc phục.

Đó là tính hiệu quả về kinh tế về sản phẩm viên nhiên liệu (VNL) sau rác. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là phải có một công nghệ tích hợp-xử lý được tất cả các vật chất thải loại, trong đó tiêu chí chuyển hóa chất thải rắn thành năng lượng là hiệu quả hơn cả.

Bằng kinh nghiệm đúc rút trong quá trình nghiên cứu công nghệ nguồn MBT-CD.08, cộng với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, Giám đốc Nguyễn Gia Long và các cộng sự đã phát triển các công nghệ để tích hợp với công nghệ nguồn MBT-CD.08.

Đó là công nghệ hầm biogas công nghiệp có tốc độ phân hủy nhanh hữu cơ mô mềm thành khí methane để phát điện; công nghệ tách hữu cơ mô mềm và nước từ rác tươi ướt và sản xuất ra VNL từ xơ bả khô trên cùng một dây truyền thiết bị; công nghệ khí hóa đa nhiên liệu-chuyển hóa VNL thành khí gas, dầu đốt công nghiệp và than carbon; công nghệ nhiệt phân-xử lý chất thải độc hại và y tế bằng năng lượng từ VNL; Công nghệ ứng dụng khí gas tổng hợp để phát điện.

Các công nghệ này liên kết, bổ trợ với nhau và định hướng cho sản phẩm cuối cùng là năng lượng tái tạo (năng lượng xanh). Sản phẩm năng lượng tái tạo này từ VNL hỗn hợp sẽ mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường bền vững-không chôn lấp. Hình thành nên công nghệ mới vượt trội mang tên Công nghệ MBT-GRE.

Để có kết quả kiểm định công nghệ ứng dụng từ thực tiễn, Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Toàn cầu (GRE) đã đầu tư 1 dây chuyền đồng bộ theo Công nghệ MBT-GRE do Công ty HMC chế tạo, triển khai dịch vụ tại Nhà máy xử lý rác Bình Giang-Hải Dương (thuộc Công ty Môi trường Tình thương-Hải Dương), theo mô hình dịch vụ môi trường với công suất 50 tấn chất thải rắn sinh họat/ngày; 50 tấn chất thải công nghiệp/ngày; 50 tấn chất thải độc hại/ngày.

Các thiết bị đã vận hành liên tục từ tháng 2/2014. Kết quả đã xử lý hàng ngàn tấn chất thải rắn công nghiệp thành VNL, sử dụng công nghệ khí hóa VNL tạo ra năng lượng để xử lý hàng ngàn chất thải độc hại cho Công ty Môi trường Tình thương. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt về lợi ích kinh tế và góp phần mang lại môi trường xanh-sạch-đẹp.

Với tính hiệu quả của Công nghệ MBT-GRE, Công ty ORION (Mỹ) đã giới thiệu, quảng bá công nghệ này tại Mỹ và được các quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, Nam Phi...thừa nhận tích khả thi.

Các nước này đã cử các đoàn chuyên gia sang Việt Nam , trực tiếp đến Nhà máy của Công ty HMC đặt tại Khu công nghiệp Đồng Văn-Hà Nam để tham quan và ký hợp đồng ghi nhớ mua thiết bị Công nghệ MBT-GRE, thông qua Công ty ORION./ .

Biến chất thải con người thành nhiên liệu tên lửa

Các nhà khoa học đang nghiên cứu phương pháp xử lý và biến chất thải của con người thành nhiên liệu tên lửa cho các sứ mệnh không gian trong tương lai.



Pratap Pullammanappallil và quy trình xử lý, chuyển đổi chất thải của con người thành nhiên liệu. Ảnh: University of Florida

Pratap Pullammanappallil và các cộng sự của Đại học Florida, Mỹ, là những người tìm ra giải pháp tái sử dụng và biến chất thải của con người thành nhiên liệu tên lửa. Trong nghiên cứu, họ xác định lượng methane được tạo ra từ thức ăn thừa, các loại bao bì đóng gói và chất thải con người.

Phân hủy kỵ khí là quá trình vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ và tiêu diệt mầm bệnh trong điều kiện không có oxy. Qua quá trình này, các nhà nghiên cứu có thể tạo hỗn hợp methane và carbon dioxide.

"Methane có thể được sử dụng làm nhiên liệu tên lửa. Lượng nhiên liệu đủ để phi hành đoàn trở về Trái Đất từ Mặt Trăng", UPI dẫn lời Pullammanappallil nói. Theo ông, nó cũng có thể ứng dụng để cung cấp năng lượng cho lưới điện trên Trái Đất, biến rác thải thành nhiên liệu cho khuôn viên trường học, thị trấn hay bất kỳ nơi nào khác.

Cách xử lý chất thải của phi hành gia hiện nay là lưu trữ trong các thùng chứa trước khi đưa lên một phương tiện vận chuyển không gian. Chúng sẽ được đốt cháy hoàn toàn khi đi qua bầu khí quyển Trái Đất.

Tuy nhiên, đối với chương trình nghiên cứu lâu dài hơn, như dự án xây dựng cơ sở hoạt động trên Mặt Trăng năm 2024, NASA hy vọng có thể đưa ra một giải pháp khác. Con người không thể để lại chất thải trên Mặt Trăng, trong khi việc đưa rác vũ trụ trở về Trái Đất cũng không phải phương án tối ưu do rất tốn kém và gây ô nhiễm.

Linh Anh

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Sóc Trăng

Nhiều năm qua, không chỉ người lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua khu công nghiệp An Nghiệp thuộc địa phận xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng phải "chịu trận" bởi mùi hôi thối, mà hàng trăm hộ dân sinh sống gần đó cũng phải chịu thảm cảnh ô nhiễm quá trầm trọng từ nhà máy xử lý nước thải của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng.



Nước thải của các doanh nghiệp dệt, nhuộm sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý tốt. Ảnh: sggp.org.vn

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong vùng mà còn cho thấy sự vô trách nhiệm và xem thường pháp luật của công ty này khi hàng ngày thản nhiên xả thải thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lý.

Theo chị Sơn Thị Phi, một người dân sống gần khu vực ô nhiễm cho biết, tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài rất lâu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt không chỉ gia đình chị mà còn với cả những hộ dân sống xung quanh. Cả ngày gia đình chị phải đóng kín cửa để hạn chế mùi ô nhiễm; việc buôn bán của gia đình cũng đi xuống từ mấy năm qua.

Theo giải thích của ông Trần Trường Giang - Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng thì từ cuối năm 2012, Ban Quản lý các khu công nghiệp và Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã làm việc với nhiều đơn vị chuyên ngành môi trường để bảo trì nhà máy nhưng không đơn vị nào đảm nhận.

Đến tháng 6/2014, công ty có ký hợp đồng bảo dưỡng hàng năm nhà máy xử lý nước thải với một công ty tại Cần Thơ nhưng sau 2 tháng thực hiện bảo trì tại nhà máy xử lý nước thải, công ty kia cũng từ chối thực hiện hợp đồng với lý do nhà máy hoạt động quá tải, ô nhiễm cao. Hiện tại, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã gửi yêu cầu bảo trì cho 2 đơn vị khác. Ông Giang cho biết, đơn vị có làm việc với các doanh nghiệp có làm lưới chắn rác, cũng như xử lý sơ bộ trước khi đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, nhưng việc này chưa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc.

Nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải tập trung Khu công nghiệp An Nghiệp đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Đến nay, đã có 11 doanh nghiệp đấu nối nước thải vào hệ thống đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không phải xử lý sơ bộ, chỉ qua lưới chắn rác và xả thẳng vào hệ thống thu gom đưa về nhà máy, nhà máy xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Hiện nay, nhà máy xử lý đạt ở công suất 70% tương đương 2.800m 3 /ngày đêm nhưng nhà máy đang tiếp nhận nước thải của các doanh nghiệp trung bình từ 3.300 - 3.800 m 3 /ngày đêm.

Như vậy, so với công suất xử lý của nhà máy vượt từ 500-1.000m 3 /ngày đêm và số lượng nước thải không xử lý hết nhà máy xả qua các ao chứa nước thải trong khu công nghiệp, khả năng xử lý bằng thực vật thủy sinh như bồn bồn, lục bình ở các ao chứa nước thải không mang lại hiệu quả như mong đợi, gây ra tình trạng ô nhiễm, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh khu vực Khu công nghiệp An Nghiệp.

Việc nhà máy xử lý nước thải quá tải là không chính xác, nguyên nhân quá tải chưa rõ ràng khi Nhà máy xử lý nước thải có công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm nhưng hiện nay chỉ xử lý đạt ở công suất 70%, tương đương 2.800m3 /ngày đêm. Điều này vừa đặt ra nghi vấn về công suất thực trong việc xử lý nước thải của nhà máy so với thiết kế ban đầu; năng lực thực sự của đơn vị này trong việc vận hành và xử lý nước thải. Vấn đề đặt ra hiện nay, tại sao công ty này khó tìm được đơn vị bảo trì nhà máy trong suốt một thời gian quá dài và khi đã hết khả năng, công ty này được quyền xả thải thẳng ra môi trường?

Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường Sóc Trăng, công tác duy tu bảo dưỡng trong thời gian vừa qua đã không được thực hiện đúng theo quy định. Hệ thống xử lý nước thải hoạt động từ cuối năm 2009 đến nay đã trải qua nhiều năm nhưng vấn đề duy tu bảo dưỡng, nạo vét hồ chưa làm đúng theo quy định, dẫn đến hệ thống xử lý nước thải không đạt theo công suất mong muốn.

Qua kết quả quan trắc và dựa trên thiết kế công suất 4.000m3/ngày đêm thì về mặt lý thuyết nhà máy chưa quá tải. Hệ thống vận hành chưa đạt theo công suất thiết kế là do quy trình vận hành chưa đúng mức, chưa đúng quy trình; chưa làm tốt công tác bảo trì, nếu việc bảo trì không tốt thì lượng bùn lắng xuống hồ sẽ làm giảm thể tích của bể xử lý, kéo theo tình trạng giảm công suất xử lý.

Hơn nữa, khả năng xử lý của hệ thống nhà máy chưa được đầu tư mở rộng mà đưa doanh nghiệp đấu nối xả thải vào nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng xử lý, công suất của nhà máy. Nếu tháng 3/2014 có 10 doanh nghiệp đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải thì đến nay đã có 11 doanh nghiệp đấu nối vào. Thay vì trong thời gian kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải giai đoạn II thì Ban Quản lý các khu công nghiệp cần làm việc với các doanh nghiệp để có kế hoạch giảm thải như: xử lý sơ bộ trước khi thải hoặc áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn để giảm nước thải trong quá trình sản xuất.

Cũng theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Sóc Trăng thì một nguyên nhân khác mà hệ thống xử lý không hiệu quả do khâu kiểm tra của Ban Quản lý Khu công nghiệp không đúng quy định. Cụ thể, doanh nghiệp phải qua xử lý sơ bộ trước khi thải trực tiếp vào nhà máy, nếu không xử lý sơ bộ sẽ làm tăng thêm áp lực cho nhà máy, làm nhà máy vận hành khó khăn, như vậy trách nhiệm công ty trong việc kiểm tra chưa cao. Vấn đề hiện nay cần làm rõ quy trình xử lý, bảo trì và vận hành, rà soát lại công suất của nhà máy.

Trước những bức xúc của người dân về việc ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại Khu công nghiệp An Nghiệp, mới đây, đoàn khảo sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát và làm việc với lãnh đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp và Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng về tình hình vận hành, xử lý nước thải tại nơi này. Tuy nhiên, trước khi những quyết định và chế tài được đưa ra thì hàng ngày, người dân xung quanh khu vực này vẫn phải chung sống với sự ô nhiễm trầm trọng này.

Chanh Đa (TTXVN)

Bãi rác gây ô nhiễm môi trường

Bãi rác của xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa) hình thành từ năm 2008. Đến nay, dù vẫn còn khả năng chứa rác song người dân bắt đầu phản đối vì bãi rác nằm quá gần khu dân cư…


Nhà ông Lê Văn Thành cách bãi rác khoảng 40m.

Ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Sáng 27-11, chúng tôi đến bãi rác của xã Ninh Phụng để xác minh thông tin qua đường dây nóng mà người dân đã phản ánh. Khi thấy chúng tôi chụp hình, những người dân nhà gần bãi rác đã kéo đến, bày tỏ sự bức xúc.

Ông Lê Văn Thành (thôn Vân Thạch, xã Ninh Xuân), cho biết: “Bãi rác thuộc địa bàn xã Ninh Phụng nhưng chỉ cách nhà tôi khoảng 40m. Từ khi hình thành bãi rác này, đời sống của chúng tôi bị ảnh hưởng vì môi trường ô nhiễm. Chúng tôi luôn phải chịu đựng mùi hôi thối của rác thải, tro bụi, mùi khét khi đốt rác và ruồi nhặng dày đặc từ bãi rác”. Còn ông Đoàn Tấn Hùng (thôn Đại Cát 2, xã Ninh Phụng) bức xúc: “Bãi rác này nằm quá gần khu dân cư nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Gia đình em gái tôi ở gần bãi rác nhất, do không chịu nổi môi trường ô nhiễm nên đành phải bỏ hoang nhà, đi ở trọ từ năm ngoái. Chúng tôi đã gửi đơn lên xã và thị xã nhưng họ chỉ mời lên làm việc và đề nghị người dân thông cảm, chia sẻ khó khăn khi địa phương không còn nơi nào khác để di dời bãi rác này”.

Ngoài ra, nhiều hộ dân thôn Vân Thạch và thôn Đại Cát 2 cũng rất lo lắng về nguồn nước giếng đang sử dụng hàng ngày bởi nước từ bãi rác đã thẩm thấu, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm nơi đây.

Nỗ lực xử lý

Được biết, bãi rác nói trên có diện tích 2.000m2, được xã Ninh Phụng xây dựng từ năm 2008. Hiện tại, đây là nơi chứa và xử lý (đốt, chôn lấp) rác thải của tất cả các thôn trên địa bàn xã Ninh Phụng với lượng rác bình quân 6m3/ngày. Theo quan sát của chúng tôi, bãi rác này một mặt giáp nghĩa trang chung 2 xã Ninh Phụng - Ninh Xuân, 2 mặt còn lại chỉ cách những nhà dân gần nhất của thôn Đại Cát 2 và thôn Vân Thạch khoảng 50m. Tại đây, rác lộ thiên chất đống, trải rộng trên diện tích hàng trăm mét vuông.

Ông Nguyễn Trinh - Chủ tịch UBND xã Ninh Xuân cho biết: “Việc các hộ dân của thôn Vân Thạch bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm từ bãi rác của xã Ninh Phụng là có thật, nhưng mức độ không đến nỗi quá trầm trọng. Chúng tôi cũng rất mong xã Ninh Phụng và các cơ quan chức năng quan tâm xử lý rác tại đây để hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường”.

Được biết, Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ninh Hòa đã nhiều lần kiểm tra bãi rác nói trên và kết luận có tình trạng ô nhiễm nhưng mức độ chưa nghiêm trọng. Phòng đã phối hợp với UBND xã Ninh Phụng mời các hộ dân có đơn phản ánh lên làm việc và thống nhất các phương án khắc phục nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm. Tháng 7-2014, UBND thị xã cũng đã chỉ đạo UBND xã Ninh Phụng, Ninh Xuân, Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường xử lý vấn đề môi trường, hạn chế ô nhiễm từ việc phân loại rác, gom rác gọn vào một góc để chôn lấp, phun hóa chất... hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mặt khác, tuyên truyền vận động người dân chia sẻ khó khăn với địa phương trong điều kiện chưa thể di dời bãi rác.

Theo ông Dương Hữu Đạo, cán bộ Xây dựng - Môi trường xã Ninh Phụng, về lâu dài, thị xã đã có quy hoạch xây dựng bãi rác tập trung rộng 10ha cho các xã cánh Tây ở núi Đeo, xã Ninh Xuân; khi nào bãi rác mới đi vào hoạt động, xã sẽ xóa bỏ bãi rác hiện tại ở thôn Đại Cát 2. “Trước mắt, địa phương vẫn phải sử dụng bãi rác này nhưng sẽ dừng hẳn việc đốt rác để hạn chế khói bụi, mùi khét, đồng thời tăng cường phun chế phẩm sinh học khử mùi hôi, ruồi nhặng và san lấp rác để hạn chế tối đa ô nhiễm. Địa phương cũng đã có phương án xây tường bao và trồng thêm cây xanh xung quanh bãi rác nhằm giải quyết tốt hơn nữa vấn đề môi trường nơi đây”, ông Đạo cho biết thêm.

NAM ANH

Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chiều 28.11, tai Hà Nội, Báo Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Trung tâm Môi trường nông thôn tổ chức diễn đàn giao lưu “Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp nông thôn Việt Nam”.

Đây là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng thảo luận, tìm ra những giải pháp, hướng đi đúng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn trong phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, hỗ trợ người nông dân hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp xanh. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định chất lượng sản phẩm và vị thế thương hiệu đến người nông dân, đồng thời quảng bá ngành nông nghiệp nước ta đến bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Duy Lượng - Phó chủ tịch thường trực BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - cho rằng, nông nghiệp đang trở thành trụ đỡ cho ngành kinh tế, nhưng trong mấy năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, lượng phân bón, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp ngày càng nhiều nên đang “đầu độc” môi trường. Diễn đàn là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành cùng với nông dân tìm ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường.

Đề nghị nâng cao mức phạt hành vi phá hoại môi trường

Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng cần mạnh tay hơn nữa đối với hành vi phá hoại môi trường, khai thác động vật hoang dã và tiêu thụ bất hợp pháp.

Hội thảo "Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" do Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN & MT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa tổ chức trong phiên họp Quốc hội. Mục đích là thu hút sự chú ý của các thành viên Quốc hội đối với những thách thức lớn và đề xuất các giải pháp khả thi liên quan đến các vấn đề quan trọng về đa dạng sinh học ở Việt Nam, nhằm tác động đến quá trình ra quyết định liên quan đến quản lý đa dạng sinh học. Đây là lần đầu tiên một bản tóm tắt toàn diện về các vấn đề đa dạng sinh học được trình bày cho các thành viên Quốc hội.

Theo báo cáo, mặc dù đã có nhiều nỗ lực bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, như Chiến lược hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, nhưng nguồn tài nguyên sinh vật vẫn đang phải chịu áp lực ngày càng tăng và đang giảm mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, nạn khai thác động vật hoang dã quá mức phục vụ cho hoạt động tiêu thụ bất hợp pháp được xem là một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay.


Cần mạnh tay hơn nữa đối với hành vi phá hoại môi trường

"Vấn đề đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn cần phải được quan tâm đúng mức hơn, nhằm đảm bảo khả năng tiếp tục khai thác, sử dụng bền vững để phục vụ cho cuộc sống…” - ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Ủy ban thường trực về Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói.

Các đại biểu cũng nhận định, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm về gỗ và động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự suy giảm của đa dạng sinh học. Do đó, Việt Nam cần tập trung nỗ lực nhiều hơn vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng để giảm thiểu cũng như kiểm soát nhu cầu của thị trường.

Theo đó, cần phải đưa hành vi vi phạm nghiêm trọng liên quan đến động vật hoang dã ra ánh sáng. Như vụ phát hiện và thu giữ gần 1.000 tiêu bản rùa biển vừa qua tại tỉnh Khánh Hòa, cần phải công khai lên án những hành vi đó, áp dụng mức hình phạt mạnh tay và công bố danh tính những đối tượng liên quan.

Các đại biểu cũng cho rằng, hệ thống quản lý đa dạng sinh học của Việt Nam hiện còn phân tán và tồn tại những yếu kém trong công tác quản lý. Sự thống nhất hệ thống quản lý đa dạng sinh học là điều cần thiết để làm giảm tốc độ và đảo ngược sự suy thoái tài nguyên đa dạng sinh học.

Vì thế, cần có cơ chế để tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và xã hội hoá việc bảo vệ động vật hoang dã.

"Nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vẫn tiếp tục bị suy giảm vì nhiều nguyên nhân. Để tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học, việc cải cách chính sách và tăng cường thực thi pháp luật trong bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ rất quan trọng." – PGS. TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu.

Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia của tổ chức UNDP cũng nhấn mạnh về việc cần đầu tư hơn nữa cho bảo tồn đa dạng sinh học so với các khoản đầu tư nhỏ như hiện nay. Bà Louise cũng đưa ra năm gợi ý để tăng cường quản lý đa dạng sinh học tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc tăng nguồn phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác bảo tồn và áp dụng những phương pháp tiếp cận sáng tạo hơn để nâng cao và duy trì tài chính cho các khu bảo tồn, tái cấu trúc bộ máy tổ chức để giải quyết sự chồng chéo giữa các cơ quan có trách nhiệm.

Phạm Thanh

Nông dân giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường

Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường trả lời phỏng vấn của Báo Tài nguyên và Môi trường trước thềm Diễn đàn – Giao lưu “Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam” – Lần thứ I năm 2014, do Báo Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT), Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) và Trung tâm Môi trường Hội Nông dân Việt Nam (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp tổ chức.



Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

PV: Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về ý kiến cho rằng, chất thải trong nông nghiệp đang góp một phần không nhỏ vào ô nhiễm và suy thoái môi trường?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Nhận định trên có thể nói cũng có phần khá đúng trong thời điểm hiện tại, khi môi trường nông thôn không còn trong lành như trước đây, cụ thể:

Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2012 và số liệu điều tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy: Lượng rác thải rắn sinh hoạt ở nông thôn phát sinh khoảng 18,21 tấn/ngày, tương đương với 6.6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, việc phân loại chất thải rắn nông thôn còn rất nhiều hạn chế. Hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vào khoảng 40 – 55%. Hầu hết các địa phương đều chưa có bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh theo đúng quy định, chủ yếu là đổ đống vào một khu vực. Tại đo, chất thải rắn nguy hại của nông nghiệp như vỏ, bao thuốc bảo vệ thực vật được đổ lẫn chất thải thông thường nên việc ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đo, các loại rơm rạ không được thu gom mà đốt ngay tại ruộng gây khói mù và ô nhiễm không khí; nhiều làng nghề xả nước thải không qua xử lý trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp nên việc sử dụng một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật là điều tất yếu. Mỗi năm nước ta nhập khẩu từ 130.000 đến 150.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật phục vụ cho hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa kiểm soát tốt số lượng và chủng loại hóa chất bảo vệ thực vật được phun rải tại các cánh đồng làm cho chất lượng đất ngày càng suy giảm và thoái hóa. Đặc biệt hiện nay, chúng ta đang lưu giữ một lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật nhập lậu, hết hạn sử dụng; hơn 1.150 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước là một gánh nặng không nhỏ lên môi trường và sức khỏe cộng đồng.

PV: Theo Thứ trưởng, đâu là nguyên nhân cơ bản của tình trạng này?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Theo tôi, một trong những nguyên nhân cơ bản là nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân sinh sống ở nông thôn vẫn chưa được tăng cường; sự tham gia công tác BVMT của người dân và cộng đồng còn rất nhiều hạn chế. Chính quyền và người dân tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa thấy rõ được những nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động nông nghiệp, nông thôn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội và sức khỏe người dân như thế nào.

Thứ hai là, đội ngũ cán bộ quản lý môi trường tại các địa phương, đặc biệt tại các huyện, thị trấn vừa thiếu, vừa yếu. Nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp môi trường nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; nhiều nơi còn đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả; cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương trong quản lý chất thải nông nghiệp, nông thôn còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm một cách rõ ràng.

PV: Thứ trưởng nhìn nhận vai trò của người nông dân có ý nghĩa như thế nào trong công tác bảo vệ môi trường, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là quyền lợi. Đây cũng là một giải pháp cơ bản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Trong đó, phải kể tới vai trò rất quan trọng của người nông dân. Hiện nay, để sản xuất ra thực phẩm, phải sử dụng rất nhiều tài nguyên đất, nước. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), việc sản xuất lương thực trên toàn cầu chiếm 25% diện tích đất, tiêu tốn 70% lượng nước ngọt, góp 80% nạn chặt phá rừng và 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính… Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, nông dân phải sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… Nếu người nông dân sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

PV: Theo Thứ trưởng, Bộ TNMT và các Bộ, ngành quản lý liên quan cần có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Theo tôi, bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn bền vững là chiến lược quan trọng của đất nước.

Trước tiên, cần phải tuyên truyền, giáo dục người nông dân hiểu biết hơn về các vấn đề môi trường. Môi trường là sự sống còn của chính mình, của đất nước, của các thế hệ con cháu mai sau. Phát huy văn hóa, tri thức bản địa để xây dựng mô hình gia đình, làng xã phát triển bền vững. Mỗi người dân, mỗi làng xã cần nêu cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ cùng quản lý, bảo vệ, làm giàu thêm tài nguyên môi trường. Điều quan trọng cốt yếu nhất là nâng cao trình độ dân trí, nhận thức đầy đủ về hài hòa lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sống.

Hai là, sản xuất hàng hóa phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ… đều phải tôn trọng môi trường sinh thái bền vững. Có nghĩa là, khai thác các nguồn tài nguyên phải có biện pháp hạn chế mức độ ảnh hưởng xấu đến môi trường, có giải pháp khôi phục làm giàu tài nguyên môi trường, hàng hóa phải hướng đến thân thiện với môi trường. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các vùng miền, địa phương phải xét đến lợi nhuận sản xuất kinh doanh với lợi ích môi trường sinh thái và tôn trọng các quy luật tự nhiên của hệ sinh thái.

Ba là, tăng cường tính pháp luật, kỷ cương Nhà nước về quản lý, bảo vệ, cải thiện môi trường; cá nhân, tổ chức phá hoại môi trường sinh thái phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Bốn là, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng gắn với thân thiện môi trường. Nhà nước đầu tư nguồn lực tài chính, quy hoạch, khắc phục, bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn trong từng giai đoạn, khu vực.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/1/2015 sẽ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề rác tại Việt Nam hiện nay. Một trong những điều sửa đổi trong bộ luật này là phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT và chính quyền địa phương ở các tỉnh, xã, đặc biệt là người dân. Trong đó, Luật đã đưa ra những nguyên tắc như gây ô nhiễm phải trả tiền, quy định rõ những biện pháp mạnh mẽ hơn như phân loại rác tại nguồn thải, tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu rác… Đây sẽ là một trong những hướng đi mới để giải quyết vấn nạn về rác thải nói chung, trong đó có vấn đề rác thải nông thôn nói riêng.

Đối với Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là một ngành kinh tế quan trọng, cung cấp lương thực thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho công nghiệp hóa, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng người nông dân xây dựng Nông thôn mới trong quá trình hội nhập là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào đối với sáng kiến tổ chức Diễn đàn – Giao lưu “Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam” – Lần thứ I năm 2014?

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Tôi đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn – Giao lưu “Phát triển Nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nông nghiệp, Nông thôn Việt Nam” – Lần thứ I – 2014 do Báo Tài nguyên & Môi trường (Bộ TN&MT), Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) và Trung tâm Môi trường Hội Nông dân Việt Nam (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 28/11 tới đây.

Đây một hoạt động thiết thực, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp Việt Nam gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là dịp khẳng định vị thế cho những doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm uy tín và chất lượng được đông đảo nhân dân tin và dùng, đồng thời quảng bá thương hiệu sản phẩm ngành nông nghiệp nước ta đến với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, khuyến khích, vinh danh những tập thể, cá nhân có phát minh sáng tạo, đổi mới không ngừng để đạt năng suất, thành tích cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Xuân Hợp/ Báo Tài nguyên và Môi trường, 28/11/2014

Cấm sản phẩm tẩy tế bào chết gây ô nhiễm môi trường của Unilever

Trong hai tháng tới, Unilever sẽ bắt đầu loại bỏ thành phần có hại trong sản phẩm tẩy tế bào chết gây ô nhiễm cảng Sydney. Việc cấm sản phẩm tẩy tế bào chết sử dụng các hạt nhựa nhỏ li ti cũng như các mảnh nhựa khác được dùng trong sản xuất mỹ phẩm cần phải được đẩy mạnh. Các nhà khoa học sẽ bắt đầu kiểm tra nếu chúng được tích lũy trong cá mà người dân thường xuyên tiêu thụ. Trong một tuyên bố với tờ Sun-Herald, Ulinever cho biết: "Ở Úc và trên toàn thế giới, Unilever đang trong quá trình loại bỏ những hạt vi nhựa khỏi các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Chúng tôi đã và đang tìm ra các giải pháp thay thế phù hợp nhưng vẫn giữ nguyên được tính năng của sản phẩm. Chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành bước loại bỏ này vào tháng 1 và hy vọng quá trình sẽ hoàn thành vào năm 2015.”

Chất nhựa dẻo nhỏ hơn 0,5 mm đã được tìm thấy trong cặn cáu ở bến cảng. Do vậy, chúng được hấp thụ vào cơ thể các loài giun đất và các loài cá sống xung quang vùng cảng. Ở giữa bến cảng, các nhà khoa học đã tìm thấy 60-100 hạt nhựa từ các mảnh vỡ nhỏ trong 100 ml cặn cáu – đây là mức cao nhất được ghi nhận trên thế giới.



Unilever sẽ loại bỏ các vi hạt nhựa khỏi các sản phẩm tẩy tế bào chết. Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ môi trường - Rob Stokes - đã đưa ra các chất phụ gia bị cấm vào cuối năm 2016 và cho biết ông có kế hoạch để đề xuất vấn đề này tại cuộc họp tất cả các bộ trưởng bộ môi trường quốc gia và lãnh thổ trong năm tới.

Hai tuần trước, Bộ trưởng đã triệu tập một nhóm làm việc gồm đại diện ngành công nghiệp mỹ phẩm thân thể ACCORD, Hội đồng Thực phẩm và Hàng tạp hóa Úc và các chuyền gia về môi trường bao gồm Jon Dee, người sáng lập nhóm tuyên truyền vận động “Do Something” mà trước đó đã vận động thành công chiến dịch cấm dùng phốt phát trong các chất giặt tẩy cùng với tờ Sun-Herald. Ông Rob Stokes và ông Jon Dee yêu cầu các công ty đại diện tham gia tự nguyện cấm sử dụng các chất phụ gia có hại.


Cấm các sản phẩm có thành phần là các hạt vi nhựa gây ô nhiễm cảng Sydney. Ảnh minh họa

Ông Jon Dee cho biết các công ty khác phải theo sự dẫn dắt của Unilver. "Nếu một tổ chức toàn cầu như Unilever bắt đầu giảm dần lượng vi hạt từ tháng giêng tới, vậy thì không có lý do gì mà các công ty khác không tham gia cùng họ. Luôn sẵn có các giải pháp thay thế, vì vậy các ngành công nghiệp mỹ phẩm nên loại bỏ các vi hạt nhựa ra khỏi thành phần của sản phẩm vào cuối năm 2016. Nếu không làm vậy thì họ đang cố tình gây ô nhiễm nguồn nước của Úc.”

L'Oreal cho biết trong một báo cáo rằng sẽ loại bỏ tất cả các vi hạt nhựa polyethylen vào năm 2017. Beiersdorf, công ty sở hữu thương hiệu Nivea, cho biết sẽ tìm một biện pháp thay thế cho hạt nhựa và đã quyết định ngừng sử dụng các hạt polyethylen trong các sản phẩm chăm sóc da trong tương lai. "Tại thời điểm này, chúng tôi đang thay đổi công thức sản xuất cho phù hợp. Mục tiêu của chúng tôi là để thay thế tất cả các hạt polyethylen trong tất cả các sản phẩm có liên quan vào cuối năm 2015."


Cấm sản phẩm tẩy tế bào chết có chứa các vi hạt nhựa từ Unilever. Ảnh minh họa

Trong một tuyên bố, ngành công nghiệp mỹ phẩm chăm sóc cơ thể ACCORD cho biết, ngành công nghiệp mỹ phẩm tại Mỹ đã cam kết loại bỏ vi hạt polyethylen vào cuối năm 2017. Ngành công nghiệp địa phương cũng cam kết sẽ làm việc này trong thời hạn này.

Loan Nguyễn

TP HCM tuyên dương các mô hình bảo vệ môi trường tiêu biểu

Theo đó, có 87 tập thể và 72 cá nhân đã được khen thưởng vì những đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường.

Sáng 28/11, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tổ chức Hội nghị tuyên dương những mô hình bảo vệ môi trường tiêu biểu giai đoạn 2010-2014.

Tại Hội nghị, 87 tập thể và 72 cá nhân đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM khen thưởng vì những đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, những mô hình bảo vệ môi trường tiêu biểu đã được nhân rộng ra khắp 24 quận, huyện của thành phố như: Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, Câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường, Câu lạc bộ cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường, mô hình vận động hạn chế sử dụng túi ni lông, khu nhà trọ xanh-sạch-đẹp… Đến nay, TP HCM đã xây dựng được 323 tổ tự quản bảo vệ môi trường, 932 mô hình khu phố không rác.

Là đô thị đông dân nhất cả nước với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị nhanh, tình trạng ô nhiễm môi trường tại TP HCM ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường tại TP HCM vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các sông, kênh rạch và những khu chợ tự phát, khu có đông công nhân sinh sống.

Hội nghị cũng là dịp để các ban ngành, đoàn thể và các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra những biện pháp có hiệu quả hơn, góp phần xây dựng thành phố mang tên Bác sạch đẹp và văn minh.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết: Hiện nay, có những hình thức, tổ chức làm công tác bảo vệ môi trường có hiệu quả. Ví dụ như thành phố có khu dân cư bảo vệ môi trường, khu phố không rác và cho đến nay đã được mở rộng một cách hiệu quả, thiết thực hơn thành các tổ xung kích về bảo vệ môi trường. Nếu duy trì và phát huy tốt mô hình này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường./. Thành Trung/VOV-TP HCM

Môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy: Còn nhiều việc phải làm


Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN)

Ngày 28/11, Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đã tổ chức hội nghị lần thứ 6 để tổng kết hoạt động trong giai đoạn 2013-2014.

Tại hội nghị, nhiều kết quả đã được ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hai con sông này cùng các đơn vị liên quan vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

Trong hai năm qua, quá trình thực hiện Đề án vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Nhiều mục tiêu theo lộ trình Đề án chưa đạt được theo yêu cầu.

Việc vi phạm pháp luật Bảo vệ môi trường trên lưu vực hai con sông vẫn diễn biến phức tạp. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức ngày càng tinh vi.

Nhiều chủ doanh nghiệp bất chấp quy định về môi trường vì mục đích kinh tế, trong khi một bộ phận lãnh đạo các cấp chính quyền chưa có ý thức, trách nhiệm phù hợp trong bảo vệ môi trường.

Bên cạnh những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được xử lý, lại xuất hiện một số điểm gây ô nhiễm mới. Trong tổng số 45 cơ sở gây ô nhiêm nghiêm trọng tại Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình và Hà Nội cần phải xử lý theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện mới có 5 cơ sở đang thực hiện biện pháp xử lý triệt để, 40 cơ sở còn lại chưa tiến hành biện pháp xử lý đáng kể nào.

Việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan còn hạn chế. Trong khi đó, năng lực của các cơ quan quản lý về môi trường tại 5 tỉnh, thành tuy đã được tăng cường rất nhiều trong thời gian qua song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là nguồn nhân lực cấp huyện và cấp xã.

Lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm hiện vẫn chưa có thẩm quyền xử lý, xử phạt trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước nên chưa đạt hiệu quả răn đe, phòng ngừa. Công tác thống kê nguồn thải cũng chưa được thực hiện đầy đủ tại một số địa phương.

Theo Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy, kết quả khảo sát, phân tích nước tại hai con sông trong năm 2014 cho thấy tại sông Nhuệ, sau khi tiếp nhận nước từ sông Tô Lịch, có hàm lượng COD, BOD5, NH4 + -N … vượt mức cho phép hoặc ở mức ô nhiễm nặng theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Sông Đáy đang bị ô nhiễm cục bộ tại một số điểm tiếp nhận nước thải của dân cư sinh sống dọc hai bờ sông, không đáp ứng được tiêu chuẩn.

Những năm qua, vào mùa mưa, nhất là sau những trận mưa lớn, nước từ đầu nguồn hai con sông chảy về hạ lưu thường xuyên gây ô nhiễm nặng, đã nhiều lần xảy ra có hiện tượng cá chết hàng loạt tại sông Nhuệ đoạn hạ lưu chảy qua Hà Nam, cùng với đó là hiện tượng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Lưu vực hai con sông Sông Nhuệ và Đáy liên quan đến địa phận của 5 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Trong những năm qua, song song với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực hai con sông này cũng đặt ra nhiều thách thức.

Trong 2 năm qua, Ủy ban Bảo vệ Môi trường sông Nhuệ-sông Đáy đã tiến hành kiểm tra thực tế tại nhiều địa điểm là nguồn thải lớn trên lưu vực, như Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (Hà Nội), Công ty Cổ phần bất động sản An Thịnh (Hòa Bình), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam), Khu công nghiệp Hòa Xá (Nam Định).

Qua kiểm tra, Ủy ban Bảo vệ Môi trường sông Nhuệ-sông Đáy đã nắm được các vấn đề về môi trường cụ thể đối với từng khu vực, từng địa phương; đồng thời có biện pháp xử lý triệt để đối với 38/43 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, còn 5 cơ sở vẫn đang trong giai đoạn triển khai xử lý.

Tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội đã hoàn thành công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, tỉnh Nam Định hiện còn 2/6 cơ sở, Hà Nam còn 2/4, Hòa Bình còn 1/2 cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Các tỉnh trong khu vực đã triển khai hơn 100 dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực hai con sông, như dự án trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ-sông Đáy tại tỉnh Hòa Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của Hà Nam, Ninh Bình và Hà Nội; đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế cho các bệnh viện và xây dựng các nhà máy xử lý rác. Hệ thống quan trắc, phân tích và cơ sở thông tin dữ liệu được hoàn thiện.

Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đang được triển khai đồng bộ trên hầu hết các tỉnh thành trong lưu vực. Kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường tại Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình đạt trên 1% ngân sách, đồng thời các địa phương này còn làm tốt việc xã hội hóa công tác đầu tư hạ tầng cơ sở cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ./.

Ô nhiễm môi trường khu vực sông Nhuệ, sông Ðáy ngày càng nghiêm trọng

Ngày 28-11, tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy tổ chức Hội nghị lần thứ sáu, nhằm tổng kết hoạt động của Ủy ban nhiệm kỳ II. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại khu vực sông Nhuệ - sông Ðáy ngày càng nghiêm trọng, dòng chảy bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho cộng đồng dân cư sống quanh vùng. Tại khu vực đầu nguồn nước sông hầu như không bị ô nhiễm, nhưng sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước sông Nhuệ bị ô nhiễm đáng kể.

Trong giai đoạn năm 2013-2014, Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy đã tập trung đánh giá các nguồn thải, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải và kế hoạch quản lý, xử lý nguồn thải trên lưu vực sông; triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật môi trường, tăng cường các nhiệm vụ thường xuyên về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Ðến tháng 9-2014, kết quả quan trắc môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy năm 2014 cho thấy, chất lượng sông Nhuệ trong những năm gần đây bị ô nhiễm rất nặng, các chỉ tiêu COD, BOD5, NH4+ đều vượt QCVN 08: 2008/BTNMT loại B1 nhiều lần. Mức độ ô nhiễm đặc biệt cao trong mùa cạn, khi mực nước sông Hồng xuống thấp không bổ sung nước cho sông Nhuệ. Theo kết quả phân tích chất lượng nước của Tổng cục Môi trường trong năm 2014, chất lượng nước sông Ðáy đang ô nhiễm cục bộ tại một số điểm tiếp nhận nước thải của dân cư sống dọc hai bờ sông, không đáp ứng được QCVN 08: 2008/BTNMT loại A.

Rửa xe đe dọa môi trường

Vốn đầu tư ít, dễ triển khai và tạo thu nhập ổn định, đó là những lý do khiến các điểm rửa xe mọc lên ngày càng nhiều trên các tuyến đường, từ nội đô đến ngoại thành. Sự phát triển và hoạt động không kiểm soát của loại hình dịch vụ này không chỉ khiến môi trường bị ảnh hưởng xấu mà còn làm cho nguồn nước sạch ngày càng cạn kiệt…

 
Nước rửa xe tràn xuống vỉa hè, chảy thẳng xuống cống

Thu nhập cao, chi phí đầu tư thấp

Đi dọc một số tuyến phố tại địa bàn Hà Nội như đường Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Lê Văn Lương… chúng tôi có thể đếm được hàng chục điểm rửa xe nằm ở ngay mặt phố. Hầu hết diện tích vỉa hè, lòng đường trước các điểm rửa xe này đều bị chiếm dụng làm nơi dựng xe và luôn trong tình trạng lênh láng nước thải.

Bà Nguyễn Thị Vân ở ngõ 154 phố Đội Cấn cho biết, ở gần nhà bà có 1 điểm rửa xe nằm ngay mặt đường. Mỗi khi đi qua khu vực này bà phải đi xuống lòng đường và dù đã cẩn thận nhưng vẫn có vài lần bị trượt ngã. Do tuyến đường này có mật độ phương tiện giao thông đông, đặc biệt là vào giờ cao điểm nên sự tồn tại của điểm rửa xe này không những gây mất an toàn cho người đi đường mà còn khiến đường phố trở nên nhếch nhác.

“Tại đây, nước rửa xe thường xuyên bắn ra đường, kéo theo đó là bùn đất, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng nước sạch một cách bừa bãi để rửa xe còn gây lãng phí tài nguyên nước, khiến nguồn nước sạch ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, tại nhiều khu vực, người dân vẫn chưa có nước sạch sử dụng”, bà Vân bức xúc.

Do chi phí đầu tư thấp, thu nhập ổn định nên dịch vụ rửa xe ngày càng nở rộ. Ông Lê Văn An, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy kiêm rửa xe trên đường Hoàng Hoa Thám tiết lộ: “Do nhà ở mặt ngõ, mặt bằng có sẵn nên ngoài nhận sửa xe máy tôi còn đầu tư thêm dịch vụ rửa xe. Trung bình mỗi ngày tôi rửa hơn 20 chiếc xe máy, tính sơ sơ đã có thu nhập khoảng 400.000 đồng”. Hiện giá rửa 1 chiếc xe máy từ 15-20 nghìn đồng, ô-tô từ 50-60 nghìn đồng/xe.

Cũng theo ông An, nghề rửa xe không kén người làm nên việc thuê nhân công khá đơn giản, chỉ cần lao động phổ thông có sức khỏe tốt. Được biết, lượng nước sạch để rửa một chiếc xe máy xấp xỉ 100 lít, với ô tô thì gấp khoảng 2-3 lần. Do các khoản phí phải đóng của các điểm cung cấp dịch vụ rửa xe hầu như chỉ là thuế môn bài, phí vệ sinh nên lợi nhuận thu được khá lớn.

Phải xử lý triệt để

Việc các điểm rửa xe tự phát mọc lên ngày càng nhiều không những khiến môi trường ô nhiễm mà còn làm cho nhiều đoạn vỉa hè, tuyến đường xuống cấp nhanh chóng.

Về tình trạng trên, Điều 12 - Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe... trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông.

Ngoài ra, điều 15 khoản 4 cũng quy định: Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: “Làm hư hỏng hoặc làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình đường bộ”… Mặc dù quy định đã được ban hành, việc phát hiện sai phạm cũng không mất nhiều thời gian, song vấn đề xử lý hầu như mới chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, đình chỉ hoạt động.

Điều đáng nói, mặc dù dịch vụ rửa xe gây ô nhiễm môi trường không nhỏ song hiện vẫn chưa có cơ quan nào thống kê và đánh giá cụ thể về mức độ gây ô nhiễm của loại hình dịch vụ này. Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với môi trường, ngay từ bây giờ, các đơn vị chức năng cần siết chặt hoạt động của dịch vụ rửa xe, quy định rõ điều kiện kinh doanh (về mặt bằng, vệ sinh môi trường, nước thải) đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ. Đồng thời, cần hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng nước sạch bừa bãi để rửa xe như hiện nay và xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm.

Khai thác tài nguyên môi trường biển và hải đảo phải bảo đảm an ninh quốc phòng

Chiều 27-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đây là lần cho ý kiến đầu tiên của Quốc hội về luật này. Các ĐBQH đều cho rằng cần thiết có luật này để góp phần quan trọng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay.

Đáng chú ý, nhiều ĐBQH đề nghị phải đưa vấn đề bảo đảm bảo vệ an ninh quốc phòng khi thực hiện các dự án ở vùng biển gần bờ để khắc phục tình trạng vừa qua một số địa phương có nhiều sai sót mà dư luận đã phản ánh.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nhấn mạnh, biển và hải đảo hết sức quan trọng đối với chủ quyền an ninh, vì vậy cần bổ sung yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc phòng khi lập quy hoạch, kế hoạch khai thác tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Tương tự, ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị Luật quy định rõ khi Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) trình Chiến lược khai thác bền vững tài nguyên môi trường biển và hải đảo phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng để bảo đảm vấn đề an ninh quốc phòng.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì đề nghị quy định chặt chẽ việc khai thác vùng biển ven bờ để tránh tình trạng chia cắt hiện nay, làm mất quyền tiếp cận các bờ biển của người dân.

“Đề nghị khi trình quy hoạch khai thác các bờ biển, Bộ TN-MT phải lấy ý kiến các bộ ngành”, bà Trần Thị Quốc Khánh đề nghị.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề xuất, cần xây dựng kho dữ liệu về tài nguyên biển đảo để các ngành sử dụng, nghiên cứu, khai thác phù hợp tiềm năng biển đảo Việt Nam.



ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lã Anh

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị tên Luật chỉ nên là Luật tài nguyên, môi trường biển, bỏ từ hải đảo. Bởi biển đã bao gồm hải đảo, thềm lục địa và những kiến tạo khác trong phạm vi thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta.

“Chẳng hạn có những bãi đá đang nằm trong vùng của chúng ta mà không phải là hải đảo, nhưng khi bị tranh chấp thì chúng ta sẽ phải bảo vệ. Vì vậy, biển là đã bao gồm những kiến tạo khác. Luật cần giải thích khái niệm biển là được hiểu theo Công ước luật biển quốc tế”, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị.

PHAN THảo

Lập tòa án môi trường: Việc cấp bách để bảo vệ quyền lợi cộng đồng

Tình trạng khiếu nại về môi trường đang có xu hướng gia tăng. (Ảnh: TTXVN)
Hiện nay, các cơ chế khiếu kiện khiếu nại, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa bảo vệ được quyền lợi của người dân. Ngoài ra, việc xử lý các vi phạm về môi trường cũng còn nhiều bất cập cả về xử phạt hành chính và xử lý hình sự, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Đây là một trong thông tin chính vừa được ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng nhìn từ khía cạnh cải cách tư pháp” tổ chức trong ngày 27/11, tại Hà Nội.

Theo đánh giá của ông Trịnh Lê Nguyên, sau gần 3 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, hệ quả của sự đánh đổi không cân xứng giữa phát triển và bảo vệ môi trường đang dần bộc lộ với hàng loạt vụ việc xâm phạm môi trường, gây xung đột quyền lợi cũng như gia tăng số lượng lớn “làng ung thư.”

Thống kê của Bệnh viện K cho thấy, trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện và khoảng 70.000 người chết vì căn bệnh này, tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước. Trong đó, cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực bị ô nhiễm là đối tượng gánh chịu nặng nề nhất đối với những thiệt hại do ô nhiễm môi trường.

Đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên cũng cho biết, mặc dù ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong, thế nhưng hiện nay cơ chế khiếu kiện trong lĩnh vực môi trường còn chưa rõ ràng, dẫn đến thiếu khả thi trong thực tế. Thậm chí, nhiều đơn thư không được giải quyết và không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các cơ quan chức năng.

Theo báo cáo Chỉ số Công lý do UNDP thực hiện năm 2012, gần 31% người được phỏng vấn cho biết họ đang sống trong môi trường có ô nhiễm. Tuy nhiên, chỉ có 12% trong số đó có khiếu nại hoặc khiếu kiện tới chính quyền để yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm và bồi thường thiệt hại.

Cũng vì thế, những vụ việc như người dân lấp cống xả thải Khu công nghiệp Thuy Vân (năm 2012); vụ nhà máy sản xuất tấm lợp Fibro xi-măng ở Phả Lại, tỉnh Hải Dương (2013); hay vụ Nicotex Thanh Thái ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa (tháng 8/2013) đã ngày càng trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây.


Số lượng bệnh nhận ung thư đang có xu hướng gia tăng. (Ảnh: TTXVN)

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường thừa nhận tình hình khiến nại, tố cáo, tranh chấp môi trường đang ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, 84% đơn thư là tố cáo, tranh chấp môi trường; 15% đơn thư khiếu nại và 1% kiến nghị.

“Qua rà soát cho thấy, vi phạm về môi trường đang ‘nóng’ lên. Và dù nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng có đơn thư gửi tới cơ quan chức năng đã được giải quyết, nhưng việc khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường là rất khó khăn, do thiếu căn cứ pháp lý,” ông Vy chia sẻ thêm.

Trước thực tế nêu trên, ông Vy kiến nghị, cơ quan qản lý nhà nước cần phải xây dựng hành lang pháp lý để giải quyết các tranh chấp về môi trường. Ngoài ra, để việc giải quyết được bồi thường thiệt hại cần có sự tham gia của các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể xã hội, nghề nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tùng (Tòa án Nhân dân Tối cao) cho rằng để giải quyết nghiêm túc các vụ việc khiến nại, tố cáo, tranh chấp môi trường tại các khu vực ô nhiễm, việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải thành lập Tòa án môi trường.

Theo ông Tùng, việc thành lập Tòa án môi trường sẽ góp phần khắc phục những trở ngại trước mắt của công tác bảo vệ môi trường, trừng phạt các hành vi ô nhiễm môi trường đồng thời có thể giải quyết vấn đề vướng mắc của các vụ khiếu kiện về ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay./.

Quảng Trị: Nhiều dự án titan xâm phạm môi trường

Khoa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết: Mới đây, đoàn thanh tra của Tổng cục môi trường đã thanh tra công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học ở một số doanh nghiệp và khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Qua thanh tra, kiểm tra đoàn đã phát hiện một số dự án khai thác titan sai phạm trong bảo vệ môi trường.



Đoàn thanh tra của Tổng cục môi trường đã phát hiện một số dự án khai thác titan sai phạm trong bảo vệ môi trường. Ảnh: thanhnien.com.vn.

Điển hình như: Công ty TNHH Thống Nhất trong qúa trình khai thác chưa thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với công trình khai thác titan tại mỏ xã Trung Giang, huyện Gio Linh; chưa lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại; chưa lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động; hợp đồng với đơn vị quan trắc môi trường chưa có giấy phép hành nghề dịch vụ môi trường theo quy định. Kho chứa chất thải nguy hại bị hư hỏng, không đạt yêu cầu theo quy định.

Đối với Công ty cổ phần khoáng sản Hiếu Giang chưa hoàn thiện đề án cải tạo, phục hồi môi trường đối với dự án khai thác titan của công ty; ký quỹ chưa đúng nơi, chưa đầy đủ theo quy định; chưa lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ; chưa lập hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường khi đi vào hoạt động; hợp đồng với đơn vị quan trắc môi trường chưa có giấy phép hành nghề dịch vụ môi trường theo quy định; giám sát môi trường chưa đầy đủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt...

Mặc dù, có nhiều sai phạm trong bảo vệ môi trường nhưng mới đây, ngày 24/11, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục bàn giao, cấp hơn 17 ha đất cho Công ty cổ phần khoáng sản Hiếu Giang thực hiện dự án khai thác titan trong 3 năm tới. Tuy nhiên, tại buổi bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp, hàng trăm người dân thôn An Mỹ và Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã tập trung phản đối không đồng thuận việc chính quyền địa phương giao đất cho doanh nghiệp để khai thác titan.

Người dân cho rằng, trước đây một số dự án khai thác titan ở địa phương đã triển khai khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, gây mất mùa, tác động xấu đến đời sống nhân dân...

Trước tình hình người dân tập trung đông để phản đối, ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh đã trực tiếp đến hiện trường để giải thích cho nhân dân hiểu về đường lối, chủ trương của huyện và tỉnh trong phát triển kinh tế. Đồng thời, vận động nhân dân không tập trung đông người gây mất an ninh trật tự. Chính quyền huyện sẽ trực tiếp đối thoại với nhân dân để có sự đồng thuận. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn không chấp nhận cho dự án được triển khai...

Trước những sai phạm của một số công ty khai thác khoáng sản trên, đoàn thanh tra của Tổng cục môi trường đề nghị các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo đề án được duyệt; hoàn thiện kho chứa chất thải nguy hại để quản lý và báo cáo cơ quan chức năng đúng quy định trước ngày 30/11/2014.

Trần Tĩnh (TTXVN)

Xử lý tội phạm về môi trường: Cần tăng nặng và bổ sung các hình phạt

Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy định cụ thể 11 tội danh về tội phạm môi trường. Theo đó, mức phạt tiền tại các tội danh này đã tăng lên. Tuy vậy, việc xử lý tội phạm môi trường vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp…

Đó là nhận định của ông Lê Phong - chuyên viên Bộ Tư pháp. Cũng theo ông Lê Phong, BLHS sửa đổi 2009 đã có nhiều điểm mới đáng chú ý, đặc biệt là sự phân nhóm các tội danh, cụ thể hóa, tăng nặng và bổ sung các hình phạt trong Chương XVII - Các tội phạm môi trường. Bộ luật đã hợp nhất 3 tội gây ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước và đất) thành một tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182); Sửa đổi tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thành tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 185); Bổ sung 3 tội mới liên quan đến tội phạm môi trường (Điều 182a - Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Điều 182b - Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; Điều 191a - Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).

Bên cạnh đó, BLHS sửa đổi còn phân chia rõ các nhóm tội danh, cụ thể hóa, bổ sung và nâng mức hình phạt: Mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính tại 10/11 điều luật; Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định với tư cách là hình phạt chính ở 10/11 điều luật quy định về nhóm tội phạm môi trường. Để tăng cường tính răn đe, hầu hết các tội danh của chương này đều quy định mức phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm. Riêng tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186) thì hình phạt tù có thể từ 1-12 năm và mức phạt tù tối đa với tội hủy hoại rừng (Điều 189) có thể lên tới 15 năm.

Tuy vậy, số vụ vi phạm pháp luật về môi trường bị xử lý hình sự vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi và sự bất cập trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, số lượng văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về tội phạm môi trường còn thiếu. Một số khái niệm “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn…” được đưa ra rất chung chung nên rất khó áp dụng. Ngoài ra, việc BLHS chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cũng là lý do dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc không xử lý được. Mặt khác, sự thiếu thốn, lạc hậu về phương tiện, trang thiết bị điều tra tội phạm, đội ngũ cán bộ điều tra chủ yếu được đào tạo về pháp luật mà chưa có những kiến thức về môi trường… là những tồn tại gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc xác minh, phát hiện những vụ việc vi phạm về môi trường có tính chất phức tạp…

Dự án bauxite Tân Rai mới ký quỹ phục hồi môi trường đạt 16%


Dự án bauxite Tân Rai, Lâm Đồng. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) - Dự án tổ hợp bauxite Tân Rai (Lâm Đồng) đã chính thức đi vào vận hành được hơn 1 năm nhưng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường mà Tập đoàn công nghiệp than- khoáng sản (TKV) thực nộp mới đạt 16% mức yêu cầu.

Theo phê duyệt của Bộ Tài nguyên Môi trường, dự án này sau khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý về môi trường, thực hiện đúng các quy định trong Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt thì phải thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.

Tuy nhiên, đến tháng 6 vừa qua, TKV mới ký quỹ được khoảng 29 tỉ đồng, bằng 16% số tiền ký quỹ được phê duyệt (187 tỉ đồng).

Hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, tại dự án Tân Rai đã xảy ra hiện tượng tràn bùn đỏ tại hồ thải quặng đuôi số 5, gây ảnh hưởng đến môi trường, khiến Chính phủ phải yêu cầu chủ đầu tư kiểm điểm nghiêm khắc để tránh lặp lại sự cố.

Từ khi đi vào vận hành từ năm 2013 đến nay, tình hình tiêu thụ sản phẩm của Công ty nhôm Lâm Đồng đã thuận lợi dần. Năm 2013, sản xuất 214 ngàn tấn alumin, trong đó xuất khẩu 160 ngàn tấn. 8 tháng đầu năm nay, công ty đã sản xuất 307 ngàn tấn, xuất khẩu đến 305 ngàn tấn. Mức giá bán năm nay khoảng 320 đến 340 đô la Mỹ/tấn (FOB) tại cảng Gò Dầu.

Năm 2013, Công ty nhôm Lâm Đồng mới nộp được 93 tỉ đồng tiền thuế phí, so với ước tính sẽ nộp ngân sách khoảng 430 tỉ đồng/năm khi dự án đi vào vận hành ổn định với doanh thu dự tính 4.000 tỉ đồng/năm.

Ảnh môi trường biển đoạt giải 1 ảnh “Sống xanh” tháng 10

Ban giám khảo cuộc thi ảnh “Sống xanh” quyết định chấm giải nhất tháng 10-2014 cho tác phẩm "Biển và nhận thức con người" của tác giả Lê Thị Việt Nho.


Biển và nhận thức con người - Ảnh: Lê Thị Việt Nho

Giải thưởng tháng sẽ được trao vào lễ tổng kết cuộc thi.

Cuộc thi “Sống xanh” (gồm hai thể loại thi viết và thi ảnh) do báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Phương Đông (OCB) tổ chức, diễn ra từ ngày 29-9 đến ngày 15-12-2014.

Tiếp nối thành công của cuộc thi năm trước, thông điệp cuộc thi năm nay vẫn là cổ động mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường vì một tương lai xanh.

Cơ cấu giải thưởng cho từng thể loại gồm 1 giải nhất (20 triệu đồng/giải), 2 giải nhì (5 triệu đồng/giải), 3 giải ba (3 triệu đồng/giải), 5 giải khuyến khích (2 triệu đồng/giải).

Ngoài ra, hằng tháng ban giám khảo chấm giải ảnh để chọn ra một tác phẩm đẹp và ý nghĩa nhất của tháng để trao giải (7 triệu đồng). Tác phẩm được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ giấy được chấm nhuận bút.

Từ ngày 1 đến 31-10-2014, cuộc thi ảnh “Sống xanh” do báo Tuổi Trẻ và OCB phối hợp tổ chức đã nhận được 703 tác phẩm dự thi. Ban tổ chức sơ loại và chọn được 280 tác phẩm đăng trên trang web http://songxanh.tuoitre.vn.

Từ khi phát động đến nay, cuộc thi viết cũng đã nhận được 349 bài thi, trong đó ban tổ chức chọn 70 bài đăng trên trang web http://songxanh.tuoitre.vn. Mời bạn tiếp tục tham gia gửi bài viết và ảnh về cuộc thi.

Có nhiều hình thức gửi tác phẩm dự thi: gửi về tòa soạn báoTuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi “Sống xanh”) hoặc email vietsongxanh@tuoitre.com.vn (thi viết), anhsongxanh@tuoitre.com.vn (thi ảnh). Bạn cũng có thể truy cập trang web cuộc thi: http://songxanh.tuoitre.vn để gửi tác phẩm.

Khắc phục ô nhiễm môi trường tại các trại chăn nuôi tập trung

Theo thống kê của Sở TN &MT, toàn tỉnh hiện có 79 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô khoảng 500 - 1.000 con lợn/trại và 3.000 - 10.000 con gà/trại. Một số ít trại có quy mô 4.000 - 6.000 con lợn/trại. Tổng số vật nuôi dao động khoảng 150.000 - 200.000 con. Ước tính tổng mức đầu tư từ 10 - 15 tỉ đồng/trại. Trong đó, chủ yếu tập trung tại các huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi, Cao Phong. Lương Sơn là huyện có số trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn nhiều nhất với 15 trại lợn, 33 trại gà. Mỗi trại tạo việc làm cho 15 - 20 công nhân, phần lớn là người địa phương.

Người dân xóm Trại Ổi, xã Kim Truy (Kim Bôi) phản ánh tình trạng nguồn nước bị ảnh hưởng.

Đồng chí Đào Anh Thép, Chánh Thanh tra Sở TN&MT cho biết: Vừa qua, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra diện rộng đối với 9 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung (8 cơ sở chăn nuôi lợn, 1 cơ sở chăn nuôi gà). Qua đó cho thấy, đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô hộ gia đình, đa số diện tích khu vực chăn nuôi nhỏ hẹp, diện tích đất sử dụng chủ yếu thuê của các hộ gia đình khác, từ 1 - 3 ha. Hiệu quả sử dụng đất được nâng cao hơn trước. Trong lĩnh vực tài nguyên nước, các cơ sở chấp hành việc xin cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước và xả thải ra môi trường. Trong lĩnh vực môi trường, về hồ sơ, các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những cơ sở chấp hành khá tốt các quy định vẫn còn một số cơ sở để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường đối với nước thải và không khí. Cụ thể, có 3 trại xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép: trại của Công ty TNHH Hòa Phát tại thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy); trại nuôi lợn giống Huy Toàn tại xã Kim Bình và trại nuôi lợn thịt tại xã Kim Truy (Kim Bôi). 2 trại hệ thống xử lý nước thải ra môi trường chưa đạt chuẩn: trại của Công ty TNHH Hòa Phát; trại của Công ty TNHH Thành Long tại xã Cư Yên (Lương Sơn). 2 trại chưa có giấy phép xả thải và khai thác sử dụng nguồn nước: trại của hộ ông Trịnh Văn Kim tại xã Hợp Thanh (Lương Sơn); trại của hộ ông Nguyễn Mạnh Thường (Lương Sơn). Các cơ sở trên đã bị xử lý vi phạm với số tiền 50 triệu đồng. Nguyên nhân chính của các lỗi vi phạm được xác định là do ý thức chấp hành các quy định của chủ hộ, doanh nghiệp chưa tốt; chưa cập nhật các văn bản hướng dẫn cũng như các biện pháp kỹ thuật để giảm ô nhiễm môi trường.

Song, về mặt khách quan có thể thấy, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các trại chăn nuôi đã dần được khắc phục và có chuyển biến tốt hơn trước. Số lượng đơn, thư của nhân dân phản ánh bức xúc do ô nhiễm đã giảm đáng kể. Trại chăn nuôi lợn quy mô 6.000 con /đợt do bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh làm chủ tại xóm Trại ổi, xã Kim Truy (Kim Bôi) đã từng có đơn, thư phản ánh sự bức xúc của người dân do ô nhiễm nước, không khí. Trại đã đầu tư trên 10 tỉ đồng xây chuồng trại, bể biogas, đào ao sinh học nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được tình trạng ô nhiễm nước, không khí. Nước thải đổ ra suối Lựng, gần nơi sinh sống của nhân dân xóm Lựng, xã Cuối Hạ. Tiếp thu ý kiến phản ánh và đề nghị của người dân, bà Minh đang lắp đặt hệ thống ống nước thải dài trên 300m qua xóm Lựng. Theo bà Minh, thời gian tới bà sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm ô nhiễm môi trường, tránh gây bức xúc cho người dân trong khu vực.

Để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường tại các trại chăn nuôi tập trung, trong thời gian tới, Sở TN &MT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra. Sở cũng đã thông báo yêu cầu khắc phục lỗi vi phạm đến từng cơ sở và thời hạn khắc phục xong trước ngày 31/12/ 2014. Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trại chăn nuôi tập trung còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Trước khi một số đoàn kiểm tra đến, cơ sở đã có sự chuẩn bị để đối phó. Thiết nghĩ, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững cần có quy hoạch ngành và tăng cường công tác quản lý Nhà nước.

Cẩm Lệ

Thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh các vấn đề môi trường

UBND tỉnh vừa quyết định thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh xử lý các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường của tỉnh.



Kinh phí hoạt động của Tổ phản ứng nhanh được duy trì từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Tổ công tác có nhiệm vụ: Thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận và xử lý các thông tin báo cáo về những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh và liên tỉnh; Tiến hành rà soát, xác minh các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường khi có tin báo. Tổ chức kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời ô nhiễm môi trường do các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ra; Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật hiện hành…

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Tổ công tác được phép yêu cầu, trưng tập các đơn vị có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, con người hỗ trợ trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tin ,ảnh: Đức Anh

Phối hợp phòng chống vi phạm môi trường trên đất quốc phòng

Tại TP HCM, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an và Bộ Tham mưu, Quân khu 7, vừa tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp phòng chống vi phạm pháp luật về môi trường đối với các tổ chức cá nhân ngoài Quân đội thuê đất quốc phòng để sản xuất kinh doanh.

Nhận rõ những nguy cơ tiềm ẩn tác động xấu tới môi trường của các tổ chức, cá nhân ngoài Quân đội thuê đất Quốc phòng do Quân khu 7 quản lý. Thời gian gần đây Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công An đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Môi trường phối hợp với đơn vị Khoa học Quân sự thuộc Bộ Tham mưu Quân Khu 7 xây dựng quy chế phối hợp giữa hai bên trong việc quản lý môi trường.

Theo quy chế do hai bên ký kết, hai đơn vị sẽ tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật cũng như giải quyết đơn thư tố giác, khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của các tổ chức, cá nhân ngoài quân đội thuê đất do quân đội quản lý trên địa bàn Quân khu 7.

Lãnh đạo hai bên đánh giá, đây là cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Quân khu 7 vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh vừa chủ động phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện vi phạm về môi trường. Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, hai đơn vị sẽ luân phiên giao ban nhằm đánh giá kết quả và đề ra phương hướng trong công tác phối hợp.
BT

Nhiều sáng tạo bảo vệ môi trường



Các thành viên CLB Môi Trường Xanh trao 5 triệu đồng cho em Nguyễn Thị Ngọc Mai, một học sinh nghèo ở thôn Nguyên Hà (xã Sơn Nguyên) có điều kiện đến trường - Ảnh: N.THÀNH

Không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân, gây quỹ cho câu lạc bộ (CLB), thành viên của CLB Môi Trường Xanh (xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa) còn tạo ra các sản phẩm hữu ích từ rác thải, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

SẢN PHẨM TÁI CHẾ HỮU ÍCH

Hưởng ứng cuộc vận động “Tuổi trẻ Sơn Hòa chung tay xây dựng nông thôn mới” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tháng 9/2013, Chi đoàn thôn Nguyên Hà (xã Sơn Nguyên) thành lập CLB Môi Trường Xanh với 40 đoàn viên, hội viên tham gia. Qua đó, các thành viên trong CLB đi thu gom rác thải tại các con đường trong thôn vừa để bảo vệ môi trường, vừa bán phế liệu gây quỹ cho CLB hoạt động. Anh Nguyễn Bá Nha, Bí thư Chi đoàn thôn Nguyên Hà, Chủ nhiệm CLB Môi Trường Xanh, cho biết trên địa bàn xã, người dân thường xuyên thu hoạch mía nên lá mía khô rơi vãi trên đường và vứt rác bừa bãi. Hàng ngày, các thành viên CLB thu gom rác về phân loại, lá mía thì ủ làm phân bón; các loại ny lông, nhựa thì bán ve chai gây quỹ cho CLB; một số dùng làm chất đốt. Điển hình, tận dụng rác thực vật, dăm bào, trấu… bằng cách dùng lò khò và quạt gió 12V anh Nha đã sáng chế ra “Bếp tiện ích” để đun nấu trong gia đình. Mô hình này vừa tiết kiệm nhiên liệu đun nấu, giảm chi tiêu, vừa góp phần xử lý rác thải nông nghiệp một cách khoa học. Giải pháp “Bếp tiện ích” đã đạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 5 năm 2012-2013 và giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 năm 2012-2013. Ngoài ra, giải pháp này còn được Sở TN-MT Phú Yên trao giải nhất Môi trường năm 2013-2014.”

Mặt khác, các thành viên trong CLB còn tìm tòi, nghiên cứu, tận dụng các phế phẩm để tái chế những sản phẩm hữu ích. Nhiều tranh len, hoa giấy, hoa vải,… bằng nguyên liệu giấy loại; vải thừa hay móc chìa khóa bằng nắp bia, đèn ngủ bằng vỏ lon bia… được “sản xuất” hàng loạt, bán gây quỹ làm từ thiện. Anh Phạm Đức Trí, một thành viên của CLB, tâm sự: “Trước khi tham gia CLB, tôi không biết rác thải có thể tận dụng. Nhưng chỉ cần một chút khéo léo và sáng tạo, tôi nghĩ ai cũng có thể góp sức bảo vệ môi trường”.

Ngoài ra, các thành viên CLB Môi Trường Xanh còn tham gia phát quang bụi rậm, quét dọn đường làng ngõ xóm, san lấp những chỗ nước đọng trong thôn để diệt bọ gậy… thu hút nhiều thanh niên tham gia. Từ đó, nhiều người dân trong thôn cũng có ý thức hơn trong việc tập trung rác thải và giữ gìn vệ sinh môi trường để thôn xóm ngày càng sạch, đẹp hơn.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN

Để có kinh phí cho CLB hoạt động, ngoài đảm nhận công trình thanh niên tự quản thu gom, xử lý rác thải; công trình thanh niên tự quản đoạn đường từ cầu Nguyên Cam đến cầu Nguyên Hà, CLB còn phối hợp với Xã đoàn Sơn Nguyên nhận làm vệ sinh, cắt tỉa cây cảnh khuôn viên UBND xã, mỗi tháng gây quỹ 500.000 đồng. Từ đó, với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, CLB đi thăm, tặng quà cho người già, các gia đình khó khăn, neo đơn nhân các ngày lễ, tết; tặng sách, vở cho học sinh nghèo vào đầu năm học. Đồng thời, CLB vận động đoàn viên tham gia sửa lại căn nhà cho 2 hộ nghèo Nguyễn Ngọc Hải và Lê Thị Bích Thư trong thôn; hỗ trợ 1,5 triệu đồng và 8 ngày công làm chuồng bò cho bà Nguyễn Thị Ca bị tàn tật, gia đình neo đơn thuộc diện nghèo của địa phương. Mới đây, chi đoàn vận động các nhà hảo tâm trao học bổng 5 triệu đồng cho em Nguyễn Thị Ngọc Mai, học sinh nghèo vượt khó tại địa phương. Đặc biệt, CLB đã cùng chính quyền, người dân thực hiện bê tông hóa 200m đường giao thông nông thôn tại các thôn Nguyên Hà, Nguyên An và Nguyên Trang.

“Để tạo sự đoàn kết giữa các thành viên trong CLB, tối thứ 7 hàng tuần, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ, giao lưu văn nghệ, tham gia các trò chơi và giao lưu với các chi đoàn trong xã để phát triển kỹ năng mềm cho các thành viên. Thông qua các buổi sinh hoạt, một số thanh niên đã thay đổi tác phong, hành động, trở thành người có ích cho xã hội”, Chủ nhiệm CLB Môi Trường Xanh Nguyễn Bá Nha cho biết.

Theo Bí thư Xã đoàn Sơn Nguyên Đặng Thị Thu Trang, mặc dù mới thành lập hơn 1 năm, nhưng CLB Môi Trường Xanh đã có nhiều hoạt động thiết thực tình nguyện vì cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới… thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trong xã tham gia. Hiện nay mô hình này đã được Huyện đoàn Sơn Hòa nhân rộng ra 14/14 xã, thị trấn trong toàn huyện.

HIẾU TRUNG - NGUYỄN THÀNH

Ngân hàng Thế giới giúp Algeria cải thiện môi trường kinh doanh


Thăm dò dầu khí ở Algeria. (Nguồn: AFP)

Ngày 26/11 tại thủ đô Alger, Bộ trưởng Công nghiệp và Mỏ Algeria Adessalem Bouchouareb và đại diện thường trực của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Algeria, Emmanuel Noubissié Ngankam đã ký tắt thỏa thuận, theo đó WB sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh tại quốc gia Bắc Phi này.

Thỏa thuận cũng nhằm thiết lập một cơ chế đánh giá và giám sát việc thực hiện kế hoạch hành động của Ủy ban được giao nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh tại Algeria được thành lập cách đây một năm, giúp nước này cải thiện được thứ hạng trong bảng xếp hạng "Doing Business" của WB, tạo thuận lợi hóa về thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp…

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận có thời hạn một năm trên, Bộ trưởng Bouchouareb nhấn mạnh, 2015 sẽ là năm cải thiện có hiệu quả môi trường kinh doanh tại Algeria.

Về phần mình, đại diện của WB hoan nghênh quyết tâm và cam kết của Chính phủ Algeria, với mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo ông Ngankam, thỏa thuận này sẽ giúp Algeria trở thành một miền đất hứa đối với các nhà đầu tư, đồng thời khẳng định rằng thách thức không chỉ là thu hút càng nhiều nhà đầu tư càng tốt, mà còn là đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng có thế mạnh và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Algeria đứng thứ 154 trong bảng xếp hạng "Doing Buisiness 2014" của WB, một vị trí mà theo như đánh giá của Bộ Công nghiệp và Mỏ Algeria là chưa phản ánh được những nỗ lực của chính phủ nước này trong những năm qua./.

Phê duyệt dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng xã Đại Bái

UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đúc đồng xã Đại Bái (Gia Bình).



Sản xuất tranh đồng tại làng nghề Đại Bái

Quy mô đầu tư và giải pháp xây dựng gồm: Xây dựng 2 khu xử lý nước thải sản xuất và sinh hoạt tại 2 vị trí (dự kiến, khu I tại cụm công nghiệp làng nghề, khu II tại thôn Ngoài và thôn Tây Giữa), công suất mỗi khu từ 900-1.000 m3/ngày đêm, bảo đảm nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn nước thải (cột A); Hệ thống xử lý rác thải sản xuất và sinh hoạt với công suất khoảng 5 tấn/ngày đêm; Lắp đặt thử nghiệm hệ thống xử lý khí thải tại một số hộ làm nghề sản xuất…

Dự án do UBND huyện Gia Bình làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến 2016. Tổng mức đầu tư dự án hơn 52 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp tài nguyên môi trường được giao hàng năm và các nguồn vốn khác.

Dự án nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường (nước thải, rác thải, khí thải) làng nghề đúc đồng, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống người dân xã Đại Bái.
Tin, ảnh: Đức Anh

Vệ sinh môi trường, diệt chuột để phòng dịch hạch

Ngày 25-11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tiếp tục khuyến cáo chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch, ngăn chặn kịp thời không để lan truyền vào Việt Nam. Các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại vùng có nguy cơ; phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ y tế đối với người, kiểm tra phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM khuyến cáo, đường lây của bệnh dịch hạch từ bọ chét hút máu động vật mang bệnh (chuột, thỏ, nhím…) rồi cắn người. Người bị truyền trực tiếp vi khuẩn từ động vật nhiễm bệnh qua da trầy xướt hoặc bị động vật mang bệnh cào, cắn. Người hít trực tiếp vi khuẩn từ không khí.

Theo Cục Y tế dự phòng, để phòng bệnh cần lưu ý: Vệ sinh môi trường, cải thiện nhà cửa, kho bãi nơi làm việc, cất giữ lương thực cho người, gia súc kín đáo, để chuột và các loài gặm nhấm không có nguồn thực phẩm và môi trường thuận lợi để sống, sinh sôi; đeo găng tay khi xử lý động vật chết để tránh tiếp xúc da với vi khuẩn dịch hạch (nếu có); dùng thuốc chống, diệt côn trùng nếu nghĩ mình có thể đã tiếp xúc với bọ chét qua các hoạt động như cắm trại, trú ẩn hay làm việc ngoài trời…

TƯỜNG LÂM

Thu hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm từ dịch vụ môi trường rừng

Việc triển khai Nghị định 99 của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng đem lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội, sự ủng hộ của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và người dân sống dựa vào nghề rừng.

Sáng 24/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Cơ quan phát triển Hoa Kỳ, Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế tổ chức hội thảo “Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Bài học từ tiểu vùng sông Mê Kông”.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, các hệ sinh thái rừng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, cung cấp sản phẩm sử dụng trực tiếp đối với đời sống và kinh tế của người dân toàn cầu. Đặc biệt là các dịch vụ môi trường do các hệ sinh thái rừng tạo ra như duy trì và điều tiết nguồn nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học…


Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Trên cơ sở so sánh các bài học kinh nghiệm về chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông, trong đó có Việt Nam, các đại biểu đưa ra các khuyến nghị về chính sách hỗ trợ cộng đồng người dân tham gia phát triển và bảo vệ rừng; nâng cao đời sống người dân sống dựa vào nghề rừng; đồng thời đề xuất các giải pháp trong việc hoạch định chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu và chống suy thoái rừng…

Ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nêu rõ: Việc triển khai Nghị định 99 của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng đem lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội, sự ủng hộ của các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và người dân sống dựa vào nghề rừng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ chế rất quan trọng để tạo nguồn tài chính bền vững trong việc bảo tồn và phát triển rừng, đảm bảo sự công bằng giữa người trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng với các đơn vị, cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ từ rừng.

Ông Hải nêu rõ: Hiện nay chúng ta đã triển khai được 3 trong tổng số 5 dịch vụ về chi trả môi trường rừng gồm dịch vụ về điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, dịch vụ du lịch và cảnh quan. Chính sách khi triển khai được toàn xã hội ủng hộ. Nhờ chính sách này hằng năm chúng ta thu được 1.200 tỷ đồng từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ từ rừng.

Thuận lợi cơ bản trong triển khai chính sách đó là chúng ta đã có hành lang pháp lý là Nghị định 99 của Chính phủ.

Theo Đỗ Hương/Chinhphu.vn, 24/11/2014

Hàng loạt vi phạm môi trường của C.ty Thép Đồng Tiến

Hàng ngàn tấn chất thải cao như núi, khói bụi mang chất thải nguy hại xả vào khu dân cư. Đó là những gì đang diễn ra ở Công ty TNHH Thép Đồng Tiến thuộc Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thời gian qua, tại địa phương này đã có không ít công ty bị xử lý vì hành vi gây ô nhiễm, nhưng qua việc này cho thấy, tình trạng phá hoại môi trường của các doanh nghiệp vẫn còn đang diễn biến phức tạp.

Với 4 căn phòng trọ không ai thuê, hơn 3 ha vườn điều không được thu hoạch... Đó là những gì mà gia đình bà Lê Thị Loan ở xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, đang phải gánh chịu, kể từ khi Công ty trách nhiệm hữu hạn Thép Đồng Tiến đi vào hoạt động.

Bà Lê Thị Kim Loan – Xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc cho biết:"Tôi làm cái gì tôi sống. Có thể mấy tấn điều, bây giờ còn mấy tạ điều hà. Con cái tôi như thế nào".

Khói bụi, khí thải từ nhà máy thép này bốc ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng trăm hộ dân sống xung quanh. Người dân cho biết, viêm xoang, viêm mũi là những căn bệnh kinh niên mà họ thường xuyên phải gánh chịu.

Bà Bùi Thị Mỹ Nga sống Xã Hắc Dịch bức xúc trước không khí ôi nhiễm tại đây. Bà nói:"Bụi như là thức ăn không đậy nổi luôn nữa. Tôi hỏi chú, sao mà sống nổi?".

Thủ phạm gây khói bụi, ô nhiễm chính là Công ty TNHH Thép Đồng Tiến thuộc Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1, huyện Tân Thành gây ra. Tuy vậy, công ty này vẫn khẳng định, việc xử lý chất thải là đúng quy định. Còn vì sao có khói bụi bay vào nhà dân, ảnh hưởng đến đời sống của họ, công ty này cho rằng, lỗi là do máy móc chứ không phải do họ.

Đại diện Công ty TNHH Thép Đồng Tiến, ông Trần Quang Khải - Tổng Giám đốc cho biết: "Cái con người thì đôi khi còn ốm đau thì cái máy, đôi khi chạy thì nó phải là có sự cố".

Do không có biện pháp xử lý chất thải và tạp chất, năm ngoái, công ty này đã bị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đình chỉ vì gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, chất thải vẫn chất thành đống, chưa có biện pháp khắc phục và kế hoạch xử lý, nhưng không hiểu vì lý do gì, công ty vẫn được cấp phép hoạt động trở lại.

Ông Nguyễn Thái Sinh –ChánhThanh tra sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phân trần:" Thì đánh giá là đạt nên là Cty cũng như là huyện đề nghị là tỉnh cho phép hoạt động tạm trong một thời gian."

Trước những bức xúc của người dân và sự bất lực của địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn thanh tra đến làm việc. Tại đây, đoàn đã phát hiện một loạt sai phạm. Nguyên liệu chính là phế liệu sắt thép nhập từ trong và ngoài nước gần 100.000 tấn mỗi năm, công suất hơn 10.000 tấn thép mỗi tháng, nhưng công ty không có hệ thống xử lý chất thải và tạp chất theo quy định. Đống chất thải, tạp chất độc để lộ thiên, hàng ngàn tấn chất như núi, suốt nhiều năm qua. Bụi khí thải thuộc danh mục chất nguy hại, nhưng hệ xử lý thường xuyên của công ty bị bể túi lọc, khí độc phát tán ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Điều này đã kéo dài suốt từ năm 2010 đến nay.

Đại diện Cục Kiểm soát hoạt động Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường, ông Lương Duy Hanh, Cục Trưởng cho biết:"Chúng tôi cũng đang củng cố hồ sơ để tiến hành xử phạt đối với Cty"

Công ty đã cam kết đầu tư, cải tạo, nâng cấp các hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, trước việc để gây ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm, ngày 20/11, Đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của Công ty Thép Đồng Tiến đến giữa tháng 12 tới để khắc phục hậu quả.

Từ vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng, có sự buông lỏng quản lý, coi thường tính mạng người dân của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hoàn toàn có cơ sở.
BT

Hà Đông (Hà Nội): Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường “hành” dân?

Dù đã hoàn tất thủ tục để sang tên đổi chủ, nhưng Q. Hà Đông vẫn không cấp "sổ đỏ" cho người dân. Vụ việc có dấu hiệu nhũng nhiễu của cán bộ chuyên trách…

Có dấu hiệu nhũng nhiễu

Trong đơn tố cáo gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thùy Trang (trú tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) phản ánh về việc cán bộ quận Hà Đông (Hà Nội) có dấu hiệu nhũng nhiễu người dân khi thực hiện giao dịch đăng ký quyền sử dụng đất.

Trong đơn, bà Trang phản ánh, ngày 11/6/2014 giữa bà và ông Phạm Chiến Thắng (trú tại P. Khương Mai, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thửa đất số 359, tờ bản đồ số 01, diện tích 81,2m2, thuộc loại đất ở tại Trung Bình, La Dương, P.Dương Nội, Q. Hà Đông. GCNQSD đất mang tên ông Phạm Chiến Thắng.

Tiếp đó, ngày 22/7/2014, bà Trang đến UBND quận Hà Đông nộp hồ sơ để thực hiện giao dịch, nhận chuyển nhượng đất và tài sản trên đất từ gia đình ông Thắng. Cơ quan chức năng đã hẹn bà Trang trả kết quả vào ngày 4/9/2014, sau khi đã tiếp nhận hồ sơ, hoàn tất cả các thủ tục có liên quan đến quá trình chuyển nhượng đất đai nói trên.


Nghĩa vụ về tài chính liên quan tới mảnh đất nói trên đã được bà Nguyễn Thùy Trang thanh toán đầy đủ


Tuy nhiên, đến thời điểm hẹn, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường Q. Hà Đông bỗng dưng đưa ra thông báo trái khoáy: “ Họ nói, đất tôi mua đang có tranh chấp nên chờ giải quyết xong mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, bà Trang cho biết.

Bà Trang cho rằng, trong quá trình thụ lý, giải quyết hồ sơ, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường Q. Hà Đông có dấu hiệu nhũng nhiễu, làm khó người dân khi đến giao dịch: “Họ nói đất tôi mua đang có tranh chấp nhưng lại không giải thích cho người dân biết tranh chấp cái gì”, bà Trang bức xúc.

Đến nay, đã nhiều tháng trôi qua, nhiều lần bà Nguyễn Thùy Trang làm đơn khiếu nại, nhưng Q. Hà Đông vẫn chưa có động thái tích cực nào trong việc giải quyết quyền lợi cho người dân…

Xử lý nửa vời

Được biết, trước khi chuyển nhượng thửa đất trên cho bà Nguyễn Thùy Trang, ông Phạm Chiến Thắng đã nhận chuyển nhượng từ ông Đỗ Văn Trà (ông Trà được nhận ủy quyền quản lý, sử dụng và chuyển nhượng mảnh đất trên từ một người khác là ông Triệu Tiến Thu) và đã được cấp GCNQSD đất mang tên ông Thắng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Phạm Chiến Thắng và bà Nguyễn Thùy Trang, ông Triệu Tiến Thu đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn các giao dịch các trên thửa đất ông đã ủy quyền, chuyển nhượng cho ông Trà…

Trong đơn, ông Thu cho rằng, do không hiểu bản chất và không lường trước được hậu quả của việc ông Đỗ Văn Trà sẽ chuyển nhượng cho người khác, cho nên mới ủy quyền quản lý sử dụng, chuyển nhượng thửa đất trên cho ông Trà.

Về phía Q.Hà Đông, căn cứ theo đơn đề nghị của ông Triệu Tiến Thu, cơ quan chức năng đã dừng mọi giao dịch liên quan đến thửa đất nói trên với lý do đất có tranh chấp.

“Do liên quan đến quyền sử dụng thửa đất số 359, 359, tờ bản đồ số 01, diện tích 81,2m2 đã được UBND Q.Hà Đông cấp GCNQSD đất số BH 914318 ngày 16/5/2012 hiện xảy ra tranh chấp dân sự giữa ông Triệu Tiến Thu với ông Đỗ Văn Trà về nội dung, mục đích và việc thực hiện hợp đồng…UBND Q. Hà Đông đề nghị các bên có liên quan gửi đơn đến tòa án để được giải quyết”, văn bản số 2004/UBND – TNMT về việc trả lời đơn của ông Triệu Tiến Thu ghi rõ.


Luật sư Đoàn Quốc Dự - Văn phòng Luật sư Nguyễn Bình và cộng sự trao đổi với phóng viên

Cũng liên quan đến sự việc, trao đổi với GDVN, ông Nguyễn Học Phúc – Phó giám đốc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Q. Hà Đông) cho biết: “GCNQSD đất mang tên ông Phạm Chiến Thắng, đồng nghĩa với việc ông Thắng là chủ sở hữu mảnh đất này. Tuy nhiên giữa ông Triệu Tiến Thu và ông Đỗ Văn Trà đang có tranh chấp. Do vậy việc giao dịch, chuyển nhượng đất giữa ông Phạm Chiến Thắng và bà Nguyễn Thùy Trang sẽ bị tạm dừng để cơ quan chức năng tiến hành xác minh sự việc”.

Như vậy, việc chuyển nhượng đất giữa ông Phạm Chiến Thắng và bà Nguyễn Thùy Trang có liên quan tới việc tranh chấp đất giữa ông Triệu Tiến Thu và ông Đỗ Văn Trà?

Về việc này, Luật sư Đoàn Quốc Dự - Văn phòng Luật sư Nguyễn Bình và cộng sự cho rằng, cách xử lý của cơ quan chuyên trách trong vụ việc trên là chưa thỏa đáng: “Việc chuyển nhượng đất đai giữa ông Phạm Chiến Thắng và bà Nguyễn Thùy Trang được pháp luật bảo hộ, quy định rõ trong luật đất đai. Việc ông Triệu Tiến Thu và ông Đỗ Văn Trà có khiếu nại, tranh chấp trên thửa đất đã chuyển nhượng cho ông Thắng là một mối quan hệ dân sự khác, không có liên quan đến việc chuyển nhượng giữa ông Thắng và bà Trang”.

“Về trách nhiệm, cơ quan chuyên trách vẫn phải thực hiện giao dịch trên đối với công dân”, luật sự Đoàn Quốc Dự cho biết.

Báo điện tử GDVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Hà Nội “chốt” khởi công 4 dự án xử lý nước thải trong tháng 11


Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Hiện nay, tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội triển khai rất chậm mặc dù thành phố đã có nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc thực hiện.

Theo Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp đã được thành phố phê duyệt, trong năm 2014 phải tiến hành xây dựng bảy hệ thống xử lý nước thải tập trung tại bảy cụm công nghiệp.

Song đến nay mới chỉ có một dự án tại cụm công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín) của Công ty cổ phần Giao thông Hồng Hà được khởi công đúng tiến độ, các dự án còn lại vẫn chưa được triển khai.

Nguyên nhân là do các chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm trong quá trình thực hiện dự án; một số sở, ngành như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng chưa chủ động trong quá trình hướng dẫn và chậm trễ cho ý kiến bằng văn bản đối với các dự án.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư phải tập trung nhân lực, nguồn lực hoàn tất các thủ tục để khởi công tất cả sáu dự án còn lại trong năm 2014. Theo đó, các sở, ngành thực hiện nghiêm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trong 7 ngày làm việc theo đúng quy định.

Thành phố sẽ có biện pháp xử lý hành chính nghiêm minh đối với các đơn vị, cá nhân để công việc chậm trễ, không đảm bảo tiến độ thành phố đề ra.

Cụ thể, ngay trong tháng 11 này, thành phố “chốt” khởi công bốn dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp Phú Thị, Bình Phú, Lại Yên (do các huyện Gia Lâm, Thạch Thất, Hoài Đức làm chủ đầu tư), Ninh Hiệp do Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng số 18 làm chủ đầu tư.

Tiếp đó, giữa tháng 12 tới, tiếp tục khởi công hai dự án còn lại tại cụm công nghiệp Hapro của Tổng công ty Thương mại Hà Nội và cụm công nghiệp Thanh Oai của Công ty cổ phần COMA 18.

Đây là thời hạn cuối cùng để chủ đầu tư thực hiện xây dựng các dự án. Tuy nhiên, các chủ đầu tư không vì “sức ép” tiến độ mà làm ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công trình, phải đảm bảo tổ chức triển khai dự án khoa học từ khâu thiết kế đến thi công.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội đang triển khai xây dựng 107 cụm công nghiệp và cụm tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch 3.193ha. Trong đó, 42 cụm đã đi vào hoạt động, 41 cụm đang đầu tư xây dựng, 24 cụm đang chuẩn bị đầu tư.

Theo kết quả rà soát có 59 cụm có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 48 cụm không quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, trong số 42 cụm đã đi vào hoạt động mới có 25 cụm có quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tập trung và 17 cụm không có quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Để đảm bảo 100% các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, Hà Nội đang tiến hành rà soát lại các cụm, khu công nghiệp để báo cáo Chính phủ, xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cụm công nghiệp.

Dự kiến, năm 2015 thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng chín cụm công nghiệp; năm 2016 xây dựng ba cụm; sáu cụm công nghiệp có quy mô nhỏ, các doanh nghiệp thuê đất trong cụm phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; bảy cụm còn lại không thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống do đã chuyển đổi công năng và không phù hợp với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2030./.

Xí nghiệp xử lý rác thải… xả nước đen ngòm, hôi thối, ngay cạnh trường mầm non!

Dòng suối Cây Sanh trong vắt chảy qua xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, Phú Yên từng là niềm tự hào của người dân bao đời nay. Thế nhưng, thời gian gần đây, nước suối liên tục bị nhuốm màu đen, bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc. Điều đáng nói là xí nghiệp xử lý rác thải đã thừa nhận để xảy ra thực trạng trên, nhưng thiếu trách nhiệm trong xử lý triệt để.

Bà Hồ Thị Yến, người dân thôn Thọ Vức, sống gần suối Cây Sanh bức xúc, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Phú Yên thường xả nước thải vào ban đêm, sáng ra dòng suối vẫn còn đen ngòm, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Đây là lần thứ 2 trong năm, dòng suối Cây Xanh bốc mùi hôi nồng nặc, sủi bọt trắng xóa, nên ở trong nhà, người dân phải đeo khẩu trang.

Suối Cây Sanh gắn với cuộc sống lâu đời của hàng chục hộ dân trong thôn, nhưng cứ vào mùa mưa là đơn vị quản lý bãi rác lại xả nước bẩn xuống suối. Cách đây hơn 1 tuần, đơn vị này cũng đã một lần xả nước bẩn xuống suối.

“Khoảng 6 giờ sáng ngày 20/10, tôi có gọi điện báo cho ngành chức năng, nhưng mấy tiếng đồng hồ sau họ mới đến lấy mẫu nước. Lúc này, suối đã trong lại do nước đầu nguồn đổ về”, một người dân bức xúc.

Thực trạng nước suối Cây Xanh bị nhiễm nước thải diễn ra liên tục, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mới đây, chính quyền địa phương có thông báo di dời dân đến khu dân cư khác, nhưng bà con không đồng tình, vì khu tái định cư mới quá xa, đất khô cằn, khó trồng trọt, sản xuất.


Người dân bức xúc vì suối Cây Sanh bị ô nhiễm

Cạnh dòng suối Cây Sanh là cơ sở trường mầm non thôn Thọ Vức, nên việc suối bị ô nhiễm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, học tập của gần 50 em học sinh.

“Suối Cây Sanh nằm ngay sau trường học, từ khi có bãi rác, vào mùa mưa lại xảy ra tình trạng nước suối bị nhiễm bẩn, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của các cháu. Nhiều phụ huynh bức xúc, lo ngại, nhưng cả thôn chỉ có 1 trường mầm non nên không thể gửi con em đến trường khác. Nhà trường đã kiến nghị thực trạng này lên chính quyền, nhưng đến nay chưa thấy giải quyết”, cô giáo K, cho biết.

Cũng theo cô K, phân trường này có 2 lớp học, nhưng đều đã xuống cấp trầm trọng. Dự kiến đầu năm 2015, nhà trường sẽ xây dựng lại 2 phòng học mới. Tuy nhiên, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường không được khắc phục thì việc xây phòng học mới cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Trong khi đó, ông Bùi Thái Long, Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến cho biết, đến nay địa phương chưa nhận được phản ánh của người dân về việc tái diễn tình trạng xả nước bẩn xuống suối. Tỉnh đã có chủ trương đưa dân đến đến khu vực Hòn Một và đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khu tái định cư mới để người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bà con chưa thống nhất địa điểm di dời, nên UBND TP Tuy Hòa đang xem xét lại quy hoạch khu dân cư phù hợp với nguyện vọng của bà con.

Còn ông Lê Khắc Lĩnh, Quản đốc xí nghiệp rác thải, Công ty Cổ phần môi trường đô thị Phú Yên thì thừa nhận, nguồn nước làm bẩn dòng suối Cây Sanh là từ bãi rác Thọ Vức. Để hạn chế nước mưa làm đầy các hồ chứa, đơn vị đã cho trải bạt bao phủ. Tuy nhiên, mấy ngày qua, mưa lớn, nước bẩn chảy trên bề mặt, tràn xuống suối Cây Sanh làm nước suối nhuốm màu đen. Ngay sau khi nhận tin báo, đơn vị đã tập trung nước thải về một điểm, dùng máy bơm về các hồ xử lý. Tuy nhiên, theo người dân, đây mới chỉ là biện pháp xử lý tình huống, chứ chưa xử lý triệt để. Hiện đang bước vào mùa mưa, nên việc nước bẩn tiếp tục tràn ra suối sẽ tiếp tục tái diễn, thậm chí còn nặng nề hơn.